Việc sửa đổi, bổ sung luật KHCN được xem là bước cơ bản tạo dựng nền tảng pháp lý giải quyết những bất cập, vướng mắc đang cản trở sự phát triển của khoa học công nghệ trong thời gian qua, thu hút nhiều hơn sự tham gia của xã hội đầu tư vào lĩnh vực này.
Gần đây, trước thông tin xuất hiện loại amip có thể ăn não người, một số doanh nghiệp đã tìm đến các Viện nghiên cứu để tìm mua các sáng chế khoa học có thể ngăn chặn loại virus này từ nguồn nước. Cuối cùng, doanh nghiệp cũng không thể tìm được các sáng chế như vậy ở trong nước, buộc phải mua từ nước ngoài.
Ông Đặng Trần Khanh, giám đốc pháp chế, tập đoàn Kangaroo cho biết, công ty ông, "rất muốn được hợp tác với các nhà khoa học và các Viện để từ những kết quả trong phòng thí nghiệm, trong các Viện nghiên cứu có thể ứng dụng ra cuộc sống phục vụ con người. Cùng với các dự án của Nhà nước, các doanh nghiệp cũng có vai trò rất quan trọng để có thể biến điều này thành hiện thực”.
Luật KHCN hiện hành yêu cầu mỗi năm ngân sách nhà nước dành 2% nguồn thu cho khoa học công nghệ, tương đương khoảng 700 triệu USD. Nhưng đầu tư cho khoa học công nghệ hiện nay chủ yếu dựa vào nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước, mà chưa huy động nguồn lực của các doanh nghiệp đầu tư phát triển khoa học công nghệ.
Hiện các nhà khoa học đang kỳ vọng Dự luật KHCN sửa đổi được Quốc hội thảo luận ngay sau khi Ban Chấp hành Trung ương thông qua Nghị quyết về lĩnh vực này sẽ huy động được nhiều hơn sự tham gia của khu vực tư nhân vào nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ.
Ông Nghiêm Vũ Khải, Thứ trưởng Bộ Khoa học, công nghệ nhấn mạnh: “Luật lần này sẽ thể chế hóa những chủ trương, chính sách có tính chất căn bản và rất quyết liệt để thực sự đưa KHCN trở thành động lực quan trọng nhất, quy phạm pháp luật, cơ chế thực sự để tăng cường năng lực KHCN quốc gia”.
Bên cạnh việc ban hành luật, thời gian tới, các Ủy ban của Quốc hội sẽ tham gia sâu hơn vào việc giám sát sử dụng nguồn vốn cho khoa học công nghệ, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, cũng như tạo điều kiện để có thể huy động nguồn vốn nhiều hơn từ xã hội.
Theo kế hoạch, Dự luật KHCN sẽ được Quốc hội thảo luận vào chiều 20/11 tại phiên họp toàn thể. Dự kiến, sẽ được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tới.