Chênh lệch cơ cấu dân số ở Việt Nam: Nơi phát triển sinh con ít, vùng khó khăn lại đẻ nhiều

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 07/05/2020 06:28 GMT+7

VTV.vn - Vùng phát triển kinh tế thì mức sinh thấp, nơi nhiều khó khăn thì tỷ lệ sinh con cao. Quy mô, cơ cấu dân số của nước ta đang dần chênh lệch.

Mới đây, chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030 tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp và giảm 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh cao, duy trì kết quả ở những tỉnh, thành phố đã đạt được mức sinh thay thế.

Việt Nam đang sở hữu một cơ cấu dân số vàng với trên 62 triệu người trong độ tuổi lao động. Đây là một trong những thế mạnh và điểm rất hấp dẫn của chúng ta trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội cũng như thu hút đầu tư nước ngoài.

Trong hơn 25 năm qua, Việt Nam đã thực hiện chính sách kiểm soát tỷ lệ sinh chặt chẽ, đạt mức sinh thay thế - nghĩa là số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở mức dưới 2,1 con.

Với mức độ sinh ổn định, bền vững chung như vậy, tại sao chúng ta lại phải điều chỉnh mức sinh? Việc điều chỉnh này sẽ tác động như thế nào tới nền tảng dân số và nền tảng phát triển của Việt Nam?

Chênh lệch cơ cấu dân số ở Việt Nam: Nơi phát triển sinh con ít, vùng khó khăn lại đẻ nhiều - Ảnh 1.

Biểu đồ mức sinh tại Việt Nam (xanh: mức sinh thấp, đỏ: mức sinh cao, vàng: mức sinh thay thế)

Nhìn vào biểu đồ trên, mức sinh thấp - nghĩa là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sinh dưới 2 con - bao gồm 21 tỉnh, thành chủ yếu là các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ. Đáng báo động như Thành phố Hồ Chí Minh khi mức này chỉ là 1,33 con.

Nếu Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ đang đối mặt với mức sinh thấp, thậm chí rất thấp thì những tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên thì lại có mức sinh khá cao. Nhiều tỉnh như Hà Giang, Lai Châu có mức tỷ suất sinh ở trên dưới 3 con.

Ở vùng mức sinh thay thế, tức là phụ nữ sinh từ 2 - 2,2 con bao gồm 9 tỉnh, thành phố như Quảng Ninh, Hà Nội, Bình Định và một số tỉnh khác.

Trong chương trình Vấn đề hôm nay ngày 6/5, PGS.TS Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội Đoàn Thành phố Hà Nội đã có những đánh giá về sự chênh lệch rất lớn về tỷ suất sinh ở các khu vực cũng như nguy cơ già hóa dân số: "Trong hiện tại, chúng ta đang có cơ cấu dân số vàng với tỷ lệ số người trong độ tuổi lao động rất cao. Nhưng nhóm dưới 14 tuổi bây giờ giảm rất nhanh, đặc biệt là những vùng mà có mức sinh thấp. Như vậy, trong một tương lai, nếu chúng ta mà không có biện pháp điều chỉnh ngay sẽ dẫn đến tình trạng già hoá dân số. Chúng ta vẫn hay nói rằng nước ta chưa giàu đã đạt đến độ già. Đấy là nguyên nhân do chúng ta không đạt được mức sinh thay thế".

Chênh lệch cơ cấu dân số ở Việt Nam: Nơi phát triển sinh con ít, vùng khó khăn lại đẻ nhiều - Ảnh 2.

PGS.TS Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội Đoàn Thành phố Hà Nội

"Chúng ta lại để cho tình trạng một số vùng có mức sinh cao hơn. Như vậy cả nước thì đạt được mức sinh thay thế nhưng những vùng cao hơn mức sinh thay thế lại là những vùng khó khăn, kém phát triển. Điều kiện để tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao ở vùng đó thì rất thiếu thốn. Như vậy sẽ tạo ra sự chênh lệch về mặt chất lượng dân số. Vùng tỷ lệ sinh cao càng khó phát triển hơn, vùng tỷ lệ sinh thấp thì đã phát triển cao thì lại càng hạ thấp xuống. Như vậy đã tạo ra một sự mất cân đối về dân số và sự phát triển xã hội" - PGS.TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội cũng cho rằng, nếu cứ để duy trì tình trạng phân bố mức sinh chênh lệch như thế này, Việt Nam cũng sớm muộn sẽ gặp phải những tình cảnh của những nước mà có mức sinh thấp của thế giới hiện nay khi nước phát triển cũng đang gặp phải những khó khăn và của cả những nước nghèo là những nước có mức sinh cao cũng gặp phải những vấn đề bế tắc. Đây là vấn đề đặt ra cho sự phát triển cân đối giữa các vùng và cơ cấu dân số ở Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước