Ông Nguyễn Tiến Tùng phát biểu tại Tọa đàm.
Tại Tọa đàm Thúc đẩy việc làm bền vững tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện tử (DN điện tử) ở Việt Nam diễn ra sáng nay (31/1) tại Hà Nội, ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ LĐTBXH đã báo cáo một số kết quả thanh tra ngành điện tử trong Chiến dịch thanh tra lao động năm 2017.
Qua thanh tra tại 216 DN hoạt động trong lĩnh vực điện tử, phát hiện 1.794 sai phạm, bình quân 8,3 sai phạm/DN. Trong đó, đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật lao động, đoàn thanh tra đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 27 DN và báo cáo người có thẩm quyền ban hành Quyết định xử phạt hành chính.
Tổng số tiền xử phạt hành chính là hơn 1,4 tỷ đồng, trong đó Trung ương xử phạt 401,5 triệu đồng, các địa phương xử phạt hơn 1 tỷ đồng.
Trong đó, sai phạm gặp nhiều nhất tại các DN điện tử là nội dung hợp đồng không đảm bảo quy định, chưa thể hiện được đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động, với 132 DN vi phạm; huy động người lao động làm thêm giờ quá thời gian quy định với 130 DN vi phạm…
Ông Nguyễn Tiến Tùng thẳng thắn khẳng định: 100% DN có làm thêm giờ, trong đó có khoảng hơn 60% DN vi phạm quy định về làm thêm giờ.
Ông Nguyễn Tiến Tùng phát biểu tại Tọa đàm.
Đánh giá nguyên nhân dẫn đến những sai phạm trên, ông Nguyễn Tiến Tùng cho biết: Nguyên nhân của những sai phạm trên có thể kể đến là do người sử dụng lao động, người lao động chưa nhận thức hết được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc thực hiện pháp luật lao động, công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại doanh nghiệp; Trình độ chuyên môn của cán bộ nhân sự, cán bộ về ATVSLĐ còn hạn chế, nhiều cán bộ ATVSLĐ cho rằng môi trường làm việc trong lĩnh vực điện tử là sạch, không có nguy cơ nào gây mất ATVSLĐ...
(Ảnh minh họa: vnniosh.vn)
Qua thanh tra tại 216 DN hoạt động trong lĩnh vực điện tử năm 2017, phát hiện 1.794 sai phạm. Sai phạm thường gặp gồm:
- Nội dung hợp đồng không đảm bảo quy định, chưa thể hiện được đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động (132 DN);
- Không thực hiện đối thoại định kỳ tại nơi làm việc 03 tháng/lần (92 DN);
- Huy động người lao động làm thêm giờ quá thời gian quy định (130 DN);
- Không thống kê số lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động (54 DN);
- Không tổ chức huấn luyện ATVSLĐ hoặc huấn luyện không đầy đủ (74 DN);
- Không lập kế hoạch ATVSLĐ hoặc xây dựng không đầy đủ nội dung (56 DN);
- Không quan trắc môi trường lao động (50 DN);
- Không xây dựng nội quy, quy trình làm việc bảo đảm ATVSLĐ phù hợp với từng loại máy, thiết bị, nơi làm việc (49 DN);
- Không khám sức khỏe cho người lao động (44 DN);
- Không đặt bảng chỉ dẫn về ATVSLĐ đối với máy, thiết bị, nơi làm việc (47 DN);
- Không xây dựng thang lương, bảng lương (31 DN).
Ngoài hành vi vi phạm của người sử dụng lao động, người lao động làm việc tại 26 doanh nghiệp trong tổng số 216 doanh nghiệp được thanh tra (chiếm 12%) chưa sử dụng đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân được cấp phát khi thực hiện công việc.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!