Bà Vĩ Thị Hương (phường 6, thành phố Tuy Hòa) có chồng là ngư dân làm thuê cho một tàu đánh bắt cá ngừ đại dương ở phường 6, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Tháng 7/2017, chồng bà ra khơi. Bình thường, một chuyến biển kéo dài lâu nhất là khoảng 20 ngày.
Tuy nhiên, 2 tháng sau đó, tàu cá chồng bà đi làm thuê vẫn không trở về. Mãi sau đó chủ tàu mới thông báo, tàu cá của ông gồm thuyền trưởng và 8 ngư dân, trong đó có chồng bà, đã bị Malaysia bắt giữ do vi phạm vùng biển. Trong lúc hoang mang, lo lắng, chủ tàu thông báo, chồng bà có thể trở về sớm hơn nếu đưa đủ số tiền hơn 42 triệu đồng để chuộc.
Trường hợp của bà Võ Thị Ảnh (phường 6, thành phố Tuy Hòa) càng khó khăn hơn. Hàng ngày đi lau nhà thuê được 100.000 đồng, không có tiền chuộc, bà đi "vay nóng" với mong muốn sau khi chủ tàu nhận tiền, chồng bà sẽ được chuộc ra. Tiền đã đưa, thời điểm chủ tàu hứa cũng đã qua, bà lại nhận được tin nước sở tại sẽ trả tự do cho chồng bà vào tháng 2/2018.
Theo bà Ảnh và bà Hương, ở làng biển này còn có nhiều gia đình khác đã đưa tiền cho chủ tàu. Hai bà đã nhiều lần đòi lại tiền nhưng người nhận nói đã chuyển tiền này cho một người khác để lo cho ngư dân về nước.
Hậu quả của việc ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài là tàu cá bị tịch thu, ngư dân bị phạt tù. Mỗi năm có đến hàng trăm ngư dân Việt Nam bị bắt do vi phạm vùng biển nước ngoài.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!