Liên quan đến đề nghị của Bộ Tài chính về việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với một số mặt hàng, trong đó tăng kịch khung đối với xăng dầu, nhiều ý kiến bày tỏ quan điểm trái chiều do đây là nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành kinh tế, có tác động đến giá cả của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ. Chính vì vậy, không ít khuyến cáo được đưa ra là cần cẩn trọng tăng thuế ở mức hợp lý, với lộ trình phù hợp để ổn định đời sống của người dân cũng như khuyến khích bảo vệ môi trường.
Trong tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài chính đã đề xuất mức thuế bảo vệ môi trường với xăng được tăng kịch khung từ 3.000 - 4.000 đồng/lít và dầu Diesel từ 1.500 lên 2.000 đồng/lít.
Lý giải cho việc tăng thuế này, Bộ Tài chính cho rằng đã căn cứ theo nguyên tắc mức thuế được xác định theo mức độ gây tác động xấu đến môi trường.
Tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ làm tăng giá xăng dầu và nhiều loại hàng hóa dịch vụ khác khiến nhiều người dân e ngại.
Theo Bộ Tài chính, dự thảo này đã có 77 ý kiến tham gia của các bộ ngành, địa phương và các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp với đã phần đã nhất trí nội dung của dự thảo, trong đó trên 50% là nhất trí hoàn toàn.
Tuy nhiên, một số bộ ngành và hiệp hội vẫn cho rằng, cần xem xét lại mức tăng thuế và thời điểm thực hiện.
Theo đề nghị của Chính phủ, thời điểm tăng thuế có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày Nghị quyết được thông qua. Nếu được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua, dự kiến mỗi năm ngân sách Nhà nước sẽ có thêm khoảng 15.000 tỷ đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!