Lúc này, những chiến sĩ Cảnh sát biển và lực lượng kiểm ngư đang ngày đêm có mặt tại Hoàng Sa để thực hiện nhiệm vụ chấp pháp tại vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam mà Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép.Còn ở đất liền, những người mẹ, người vợ, cùng đồng đội của các anh đang âm thầm thay các anh gánh vác công việc gia đình. Họ chính là hậu phương vững chắc để những người chiến sĩ có thể yên tâm nơi đầu sóng ngọn gió.
Có thể nói những hình ảnh quý giá với gia đình những người Cảnh sát biển lúc này chính là những hình ảnh của các anh được gửi về vùng biển Hoàng Sa - nơi người chồng, người cha, người con của họ đang làm nhiệm vụ. Những hình ảnh dù chỉ một vài giây thoáng qua, song sẽ giúp họ yên tâm rằng người thân của mình vẫn bình yên. Và đặc biệt với những em nhỏ dù chỉ mới 3 - 4 tuổi, luôn là người đầu tiên nhận ra bố của mình trên màn hình.
Chị Lương Thị Bích chia sẻ - vợ Trung úy Võ Văn Thành, tàu CSB 8003, chia sẻ: “Ngày nào hai mẹ con cũng xem thời sự. Hôm hai mẹ con đang ngồi xem thì cháu nhìn thấy bố ở trên tivi, nó mới chạy ra ôm lấy tivi và bảo mẹ ơi bố này, sau đó cứ ôm lấy và gọi bố ơi, bố ơi!. Lúc đó, tôi lại động viên con là bố đi công tác, bố sắp về”.
‘ Con trai Trung úy Võ Văn Thành, tàu CSB 8003
Mỗi khi nhận nhiệm vụ, những người Cảnh sát biển lập tức lên đường, gác lại những khó khăn riêng của mình: Với Trung úy Thành, đó là người vợ đang mang thai, chỉ có một mình xoay xở; còn với thuyền trưởng Lê Văn Hưng, đó là người cha đang mắc bệnh nặng.
Suốt câu chuyện của mình khi gặp nhóm phóng viên VTV chúng tôi, người cha của anh Hưng - năm xưa là thủy thủ của đoàn tàu không số, không một lời nhắc đến căn bệnh của mình. Trong gia đình này, ba người đàn ông đều đứng trong hàng ngũ những người lính biển. Còn những người phụ nữ, cũng đã quen với việc gánh vác, chăm sóc gia đình thay chồng.
Chị Nguyễn Thu Phương - vợ Trung úy Nguyễn Văn Hưng, tàu CSB 8003 nói: “Vì tính chất đặc thù công việc của anh Hưng là phải đi biển dài ngày, nên mình luôn xác định là phải hoàn thành nhiệm vụ ở nhà và tại đơn vị để anh Hưng yên tâm công tác”.
Những ngày này, lo lắng lớn nhất của người ở nhà là không thể liên lạc với người thân của mình ngoài biển. Chính vì vậy, những người đồng đội của các anh đã thường xuyên đến thăm gia đình, đưa đến những tin tức từ ngoài xa. Họ đang làm tất cả, để giúp đỡ gia đình những chiến sĩ.
“Trong thời gian vừa qua Cảnh sát biển đã chỉ thị cho các đơn vị cấp trên của các lực lượng tham gia nhiệm vụ trên biển đó là thường xuyên nắm chắc tình hình gia đình của các cán bộ chiến sĩ đang công tác tại vùng biển và thềm lục địa của Tổ quốc. Đặc biệt là những đồng chí có hoàn cảnh khó khăn hoặc là khi gia đình có tình huống bất trắc thì đơn vị phải tạo điều kiện cao nhất để giúp đỡ gia đình”,Thiếu tướng Nguyễn Văn Tương - Chính ủy Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho hay.
Có thể nói, với các chiến sỹ Cảnh sát biển dù không ở bên gia đình, nhưng đã có những người vợ, người mẹ và đồng đội thay các anh chăm lo. Và những em bé, dù phải xa bố, vẫn luôn tự hào có người cha là chiến sĩ Cảnh sát biển.
Dưới đây VTV Online xin được trích thêm những lời nhắn gửi từ gia đình các chiến sĩ Cảnh sát biển tới các anh, mà nhóm phóng viên chúng tôi có dịp ghé thăm:
Chị Nguyễn Thu Phương - vợ Trung úy Nguyễn Văn Hưng, tàu CBS 8003: “Tôi muốn nhắn nhủ tới anh Hưng, cũng như đồng đội của anh Hưng hiện đang công tác ở ngoài biển xa là các anh hãy yên tâm, ở hậu phương đã có chúng em”.
Cha của thuyền trưởng Lê Văn Hưng: “Phía sau các con có cả một hậu phương vững chắc hỗ trợ nên các con phải yên tâm và mưu trí xuất sắc để hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó”.
Chị Lương Thị Bích chia sẻ - vợ Trung úy Võ Văn Thành, tàu CBS 8003: “Anh ơi! Anh cứ yên tâm công tác, ở nhà đã có đơn vị và mọi người, hai mẹ con vẫn khỏe. Anh cứ yên tâm công tác thôi”.
Con trai Trung úy Võ Văn Thành: “Bố ơi, con nhớ bố lắm!”.
Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi thêm hình ảnh và nội dung chi tiết qua VIDEO dưới đây: