Đây là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn cấp quốc gia về nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam diễn ra vào sáng nay (16/11). Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thực tiễn hơn 30 năm đổi mới vừa qua đã cho thấy, sự gia tăng dân số và lực lượng lao động là một động lực quan trọng, đóng góp to lớn vào thành tựu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Dù chỉ số lao động đào tạo nghề của Việt Nam năm 2019 đã tăng được 13 bậc theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới, trong khi quy mô của nền kinh tế Việt Nam đứng ở vị trí 37 - 38 thế giới, nước ta chưa lọt vào top 50 thế giới về đào tạo nghề, năng suất lao động quốc gia vẫn ở mức thấp so với khu vực. Vì thế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc nâng cao chất lượng của lực lượng lao động có vai trò sống còn trong cải thiện tốc độ tăng trưởng cũng như nỗ lực tái cơ cấu kinh tế đổi mới mô hình tăng trưởng.
Cùng với các doanh nghiệp và trường nghề tham gia nghi lễ cam kết cùng hành động 3 bền về đào tạo nghề, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các Bộ liên quan cần suy nghĩ để hình thành nên một hiệp ước xã hội hay một cơ chế hợp tác giữa Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà trường về đào tạo nghề. Trong đó, doanh nghiệp tham gia xây dựng nội dung đào tạo và tiếp nhận học viên, nhà trường tập trung nâng cao chuyên môn và chất lượng đào tạo, còn Nhà nước thực hiện chính sách ưu đã đối với những doanh nghiệp tích cực tham gia đào tạo và nhận nhiều lao động đã được đào tạo nghề. Thủ tướng khẳng định, trong quá trình tiến tới tự chủ của các trường nghề, Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ, không bỏ rơi. Sau hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành một chỉ thị về đẩy mạnh đào tạo nghề.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!