3 năm tạm cư chờ nhà
Trước thực trạng xuống cấp nghiêm trọng của các khu chung cư cũ, năm 2002, UBND TP Hà Nội đã có chủ trương cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên toàn thành phố. Ba dự án được chọn làm thí điểm là khu tập thể Nguyễn Công Trứ, Văn Chương và Thanh Xuân. Khác với những dự án chung cư cũ đơn lẻ đang được cải tạo hiện nay, 3 dự án này là cải tạo toàn bộ cả khu và là dự án an sinh xã hội.
Tuy nhiên, tính đến nay tức là 10 năm sau quyết định đó, 2 dự án Văn Chương và Thanh Xuân vẫn đang trong giai đoạn điều tra xã hội học, còn dự án Nguyễn Công Trứ, dù đã được 2/3 người dân đồng thuận cách đây 2 năm, nhưng đến nay vẫn chưa được khởi công. Hàng trăm người dân đã đồng thuận bàn giao mặt bằng đang rơi vào tình trạng không biết đến bao giờ mới trở lại được căn nhà của mình.
Để tìm hiểu thực trạng việc này, phóng viên VTV đã tìm đến gia đình anh Lại Phú Chiến, hiện đang ở khu tạm cư. Anh cho biết, 3 năm trước anh và gia đình đã chuyển về một căn nhà tạm cư ở đây. Ngày anh nhận bồi thường và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, anh nghĩ chỉ 3 năm thôi là anh sẽ được quay về với một căn hộ khang trang. Tuy nhiên, 3 năm đã trôi qua nhưng khu tập thể Nguyễn Công Trứ nhà anh ở vẫn y nguyên. Anh cũng không biết mình sẽ phải sống ở căn nhà tạm cư này bao lâu nữa.
Anh nói: “Đây chỉ là cái nhà tạm, nên tâm lý của mình chẳng muốn đầu tư gì cả. Tôi chẳng dám sửa sang gì cả, có sao sống vậy, chỉ nhà mình thì mình mới chăm chút, cảm thấy yên tâm hơn… Chẳng biết đến bao giờ mình mới được về nhà mình nữa”.
Anh Chiến và gia đình không phải là hộ gia đình duy nhất. Ở khu tạm cư này có gần 200 hộ gia đình từ khu tập thể Nguyễn Công Trứ chuyển về đây cũng đang có tâm lý như anh.
Dư án Nguyễn Công Trứ được triển khai theo hình thức cuốn chiếu, tức là sẽ cải tạo 2 dãy trong cùng trước, sau đó sẽ cải tạo dần các dãy còn lại. Đây cũng là dự án an sinh xã hội, không phải dự án kinh doanh. Tuy nhiên, đã gần 10 năm, hơn 80% người dân đồng thuận, theo quy định thì gần 20% người dân còn lại sẽ buộc phải bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà đến nay dự án vẫn chưa thể bắt đầu triển khai.
Lý giải điều này, ông Lâm Anh Tuấn, phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng cho biết, quận đang dự định “phải cưỡng chế những hộ này thôi. Sắp tới chúng tôi sẽ giải quyết dứt điểm vấn đề này để giao mặt bằng cho chủ đầu tư…”.
Rõ ràng, việc không có quy định nào về thời gian bàn giao mặt bằng, triển khai dự án là một trong những nguyên nhân khiến nhiều dự án an sinh xã hội ì ạch, cho dù chính quyền đủ chế tài để thực hiện. Hệ quả là những căn nhà xập xệ vẫn nằm đó trong mưa nắng. Nhiều dãy nhà khác trong khu tập thể phải chờ đến lượt mình không biết đến khi nào...
Về vấn đề này, ông Phạm Sĩ Liêm, phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: “Cải tạo chung cư cũ là một vấn đề rất lớn. Ở các nước khác, họ có những quy định riêng, còn Việt Nam chỉ có vài quy định, không có hành lang pháp lý nên đương nhiên sẽ rất khó có thể thực hiện. Thêm nữa, chung cư cũ thường là ở những vị trí rất đẹp nên việc giải phóng người dân cũng khó khăn hơn. Tuy nhiên, tôi nghĩ, phải đặt lợi ích đa số lên lợi ích thiểu số”.
Theo nhiều chuyên gia, nếu các cơ quan chức năng không nhanh chóng tháo gỡ những nút thắt khó khăn trong triển khai các dự án cải tạo chung cư cũ, sẽ lại vướng thêm những nút thắt khác. Thực tế việc chờ đợi quá lâu của người dân ở những khu đang triển khai sẽ gây ảnh hưởng tâm lý cho các hộ dân ở những chung cư khác, họ sẽ hoang mang, thất vọng, không muốn di dời đến nơi tạm cư.
Ngay cả một dự án xã hội, không mang tính chất thương mại mà đến 10 năm vẫn chưa thể triển khai. Do đó, điều này một phần lý giải được rằng vì sao mà các dự án cải tạo chung cư cũ thường không có cam kết thời gian hoàn thành dự án.
Tính đến thời điểm hiện nay, trên cả nước có khoảng 10% dự án cải tạo chung cư cũ được triển khai. Mục tiêu là đến 2015 sẽ hoàn thành việc cải tạo toàn bộ chung cư cũ trên cả nước, tuy nhiên, với tiến độ triển khai như thế này, không biết đến bao nhiêu lần đặt ra mục tiêu nữa các địa phương mới thực hiện được.