Mục đích của họ là hòng hạ thấp uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Họ còn cố tình làm cho nhiều người hiểu lầm rằng "tự do báo chí" là một quyền tuyệt đối; từ đó cổ xúy các phần tử bất mãn, các đối tượng chống đối lợi dụng quyền tự do báo chí hoạt động tích cực, quyết liệt hơn.
Tháng 7/2018, Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt hành chính báo Tuổi Trẻ Online 220 triệu đồng và đình bản 3 tháng, nguyên nhân là tờ báo này đã thông tin sai sự thật về phát ngôn của Chủ tịch nước và có thông tin gây mất đoàn kết dân tộc trong phần bình luận của bài viết.
Việc cơ quan quản lý xử lý nghiêm các hành vi sai phạm để làm trong sạch môi trường báo chí là điều cần thiết và đáng hoan nghênh, nhưng một số tổ chức, cá nhân đã cố tình xuyên tạc rằng, Việt Nam đang truyền thông điệp về tiếp tục tăng cường kiểm duyệt, siết chặt tự do ngôn luận đối với cả báo chí lẫn bạn đọc.
Tháng 6/2017, khi đang là Trưởng ban Bạn đọc của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Lê Duy Phong đã lợi dụng quyền hạn của nhà báo để chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng. Trong phiên tòa xét xử, Phong đã thừa nhận đây là hành vi vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật. Thế nhưng, một số tổ chức quốc tế đã xuyên tạc vụ việc theo kiểu "chính quyền Việt Nam gài bẫy" để đưa các nhà báo chống tham nhũng vào vòng lao lý.
Việc đưa tin sai sự thật, gây hại cho đất nước, thậm chí là vi phạm pháp luật cũng được họ mang ra lợi dụng, lớn tiếng bảo vệ để phục vụ mục đích xấu của mình, đó là xuyên tạc, bôi đen về tình hình tự do báo chí của Việt Nam. Tuy nhiên, họ đã lờ đi một sự thật là bất cứ quốc gia nào trên thế giới, việc đưa tin như vậy cũng đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Có thể thấy, không có thứ tự do ngôn luận nào, tự do báo chí nào đồng nghĩa với sự thật bị bóp méo, coi thường pháp luật, xúc phạm cộng đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!