Với lĩnh vực lao động, các chuyên gia nhận định nếu dịch còn kéo dài, nguyên liệu đầu vào thiếu, một số doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khi đó, có thể một bộ phận công nhân phải nghỉ việc tạm thời hoặc là dịch chuyển sang những công việc khác. Tuy nhiên, với lĩnh vực sản xuất có quy mô lớn thì các doanh nghiệp lại đang duy trì biện pháp giữ chân lao động nhằm ổn định sản xuất.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định không có chuyện doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, nghỉ làm và sa thải lao động; thay vào đó, nhiều doanh nghiệp đã đảo lịch sản xuất thành lịch đào tạo, nâng cao kỹ năng cho công nhân trong khi tìm nguồn nguyên phụ liệu thay thế nếu xảy ra thiếu hụt. Dịch bệnh chỉ ảnh hưởng nhất định đến việc làm trong ngành giáo dục, du lịch và một số ngành dịch vụ.
Linh hoạt bố trí phép năm, tổ chức sản xuất phù hợp, hỗ trợ chi phí gửi trẻ là cách nhiều công ty đang san sẻ khó khăn và giữ chân lao động để đảm bảo sản xuất khi các cửa khẩu bắt đầu thông quan trở lại.
Hiện, nhu cầu tuyển dụng lao động trong quý 1 vẫn ở mức cao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!