“Các địa phương cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản”

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 26/07/2019 19:42 GMT+7

Toàn cảnh phiên họp.

VTV.vn - Đó là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ thảo luận Báo cáo về tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm.

Sáng nay (26/7), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ để thảo luận Báo cáo về tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm và sự tác động tới tăng trưởng của cả nước giai đoạn từ năm 2011 - 2017. Cuộc làm việc này diễn ra sau các hội nghị của Chính phủ với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Hội nghị giao ban Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Hiện cả nước có 4 vùng kinh tế trọng điểm. Ba vùng được thành lập cách đây hơn 20 năm. Trong đó, Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với Hà Nội là trung tâm, Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam với Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm và Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung với Đà Nẵng là trung tâm. Cách đây 10 năm, Vùng Kinh tế trọng điểm Vùng Đồng bằng sông Cửu Long được thành lập với 4 tỉnh, thành: Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang và Cà Mau.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, từ năm 2011 - 2017, tổng sản phẩm trên địa bàn của 4 vùng kinh tế trọng điểm tăng trưởng bình quân mỗi năm 7,14%, với động lực chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam dẫn đầu cả nước về năng suất lao động. Tính ra, cứ 1% tổng sản phẩm trên địa bàn của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đóng góp 0,49% cho tổng sản phẩm trong nước của cả nước, còn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đóng góp 1,12%. Trong khi đó, cả 4 vùng kinh tế trọng điểm trọng điểm đóng góp tới 71%.

Tuy nhiên, lãnh đạo các thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm, cũng như Thường trực Chính phủ đều cho rằng vấn đề lớn nhất trong nhiều năm qua là chưa có quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm, dẫn đến không có chiến lược phát triển, không có cơ chế đặc thù và cơ chế điều phối vùng chưa đủ mạnh. Vì thế, các tỉnh, thành trong 4 vùng kinh tế trọng điểm mới chỉ dừng lại ở phân công, phối hợp, chứ chưa thực sự liên kết. Bên cạnh đó, việc thống kê số liệu của các vùng kinh tế trọng điểm chưa được quy định trong Luật Thống kê nên Chính phủ chưa có đầy đủ dữ liệu phục vụ việc đánh giá, phân tích, chỉ đạo và điều hành.

“Các địa phương cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản” - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp.

Đồng tình với đề xuất, Thủ tướng Chính phủ cần ban hành Chỉ thị nhằm thúc đẩy phát triển của 4 vùng kinh tế trọng điểm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận các kiến nghị về việc cần phải có một cơ chế điều hành vùng kinh tế trọng điểm, đồng thời cho biết Chính phủ sẽ có giải pháp tháo gỡ về vấn đề này. Vì trong các cuộc làm việc giữa Thủ tướng với các vùng và giữa Tiểu ban Kinh tế - Xã hội của Đại hội Đảng với các địa phương đây là vấn đề được nhiều địa phương kiến nghị.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu kiến nghị của các địa phương, cùng với kết quả các hội nghị của Chính phủ với các Vùng Kinh tế trọng điểm vừa qua để xây dựng Đề án về phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả của các Vùng Kinh tế trọng điểm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trong đó cần lưu ý các nhiệm vụ, giải pháp mới mang tính đột phá, tạo động lực phát triển của 4 vùng, hiện chiếm tới 2/3 Tổng sản phẩm trong nước của cả nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ cũng như các địa phương đều nhận thức được vấn đề do chưa có quy hoạch vùng, cơ chế liên kết và điều phối vùng, cùng với chính sách phát triển vùng chưa tốt, chưa rõ chính là "điểm nghẽn" trong phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, vì thế, cần phải có định hướng khắc phục tốt hơn trong thời gian tới.

Về nhiệm vụ của 4 vùng kinh tế trọng điểm trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các địa phương phải đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, cũng như tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn nữa; đi cùng với tiếp tục áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn. Một số công trình, dự án hạ tầng cấp bách cần được tiếp tục được tháo gỡ kịp thời hơn, trong đó có không được để thiếu điện, nhất là khu vực phía Nam, sau khi Thủ tướng và Thường trực Chính phủ đã thảo luận nhiều lần về vấn đề này để đưa ra các giải pháp, cơ chế đặc thù để bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng nhắc lại, trong bối cảnh pháp luật chưa đồng bộ, các dự án đầu tư vẫn phải làm nhanh, nhưng không được làm ẩu, làm trái pháp luật để tránh ách tắc trong đầu tư. Bên cạnh đó, các địa phương cũng phải thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông, nhất là thu hút các dự án trọng điểm nhằm tạo bước phát triển đột phá. Đi cùng với quán triệt tinh thần phát triển đô thị là động lực của tăng trưởng, nhất là các tỉnh, thành ở Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhấn mạnh tinh thần "bàn tiến chứ không bàn lùi", Thủ tướng yêu cầu các địa phương trong 4 vùng kinh tế trọng điểm phải tiếp tục khắc phục khó khăn, nhất là khi địa pháp lý về vùng chưa rõ ràng thì càng phải nỗ lực phối hợp tốt hơn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chỉ khi các vùng kinh tế trọng điểm thành công thì cả nước mới thành công. Nếu các vùng tăng trưởng chậm lại thì cả nước cũng sẽ bị ảnh hưởng. Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương trong 4 vùng kinh tế trọng điểm phải gương mẫu đi đầu trong việc không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, nói không với rác thải nhựa và thực hiện tốt tam giác phát triển kinh tế - xã hội - môi trường.

Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cần phát triển tương xứng với tiềm năng Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cần phát triển tương xứng với tiềm năng

VTV.vn - Tại Hội nghị phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ diễn ra tại Hưng Yên, nhiều ý kiến thẳng thắn chỉ ra vùng kinh tế này phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước