Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ giải trình làm rõ vấn đề đại biểu nêu. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN
Trong các phiên thảo luận hôm nay (26/10) về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội, nhiều đại biểu đã chỉ ra những "điểm đen" trong lĩnh vực giáo dục trong 2 năm qua như tình trạng mưa điểm 10 ở Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 hay vụ gian lận thi cử vừa qua tại nhiều tỉnh.
Vào chiều nay, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã tham gia thảo luận trước Quốc hội về các vấn đề liên quan đến đổi mới hệ thống giáo dục, trong đó có Kỳ thi THPT Quốc gia.
Mở đầu bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ: "Giáo dục và đào tạo liên quan đến mọi người, mọi nhà và trong đó có những vấn đề nhận thức được nhưng khắc phục cần có thời gian và sự chung tay của cả hệ thống chính trị và toàn dân".
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Khắc phục cần có thời gian và sự chung tay của cả hệ thống chính trị và toàn dân
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết Bộ đã thực hiện chủ trương về đổi mới căn bản giáo dục đào tạo, tiến tới đổi mới tổ chức thi và xét tốt nghiệp phổ thông theo hướng giảm áp lực, trung thực khách quan. Đến nay, đã thực hiện theo đúng lộ trình, thi gắn với đổi mới sách giáo khoa. Dự kiến đến năm 2020 sẽ có một kỳ thi đánh giá năng lực hoàn thiện, sau đó cho các trường đại học, cao đăng xét tuyển dựa vào kết quả đó.
Công tác chuẩn bị đề thi và ngân hàng câu hỏi vô cùng quan trọng, Bộ đã rất cố gắng sau từng năm đều có cải thiện nâng cao và làm tốt hơn, bảo mật đề thi bằng công nghệ phần mềm, tổ chức chấm thi và thanh tra đầy đủ. Qua các năm, với việc thực hiện thi trắc nghiệm, tỷ lệ quay cóp đã giảm đi rất nhiều, trung thực trong thi cử có cải thiện nhưng vẫn có vấn đề.
Năm vừa qua bộc lộ nhiều sai phạm trong tính trung thực thi cử và có những xử lý. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: "Cá nhân tôi quan điểm sai là sửa và sửa theo quy chế. Tôi phản đối, kiên quyết chống tiêu cực".
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định phản đối và kiên quyết chống tiêu cực
Bộ trưởng cũng cho biết quy trình của kỳ thi và đầy đủ nhưng công tác chuẩn bị câu hỏi, bảo mật đề thi, bên cạnh chấm thi và các công tác khác cần phải tốt hơn nhiều. Khi phát hiện có dấu hiệu sai phạm, Bộ đã báo cáo Chính phủ và phối hợp với Bộ Công an xử lý ngay. Theo đó, đã có 11 cán bộ sai phạm đã bị xử lý tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo cũng khẳng định cần duy trì kỳ thi THPT Quốc gia: "Chúng tôi rút kinh nghiệm và tăng cường chất lượng, số lượng câu hỏi thi, tính phân hóa cần thiết để đánh giá tốt nghiệp THPT và là cơ sở điều chỉnh nội dung chương trình. Duy trì kỳ thi là rất cần thiết và các nước cũng vậy. Kỳ thi này cũng là cơ sở để các trường đại học, cao đẳng sử dụng. Qua thực tế, các trường sử dụng chủ yếu điểm kỳ thi này và càng ngày càng sử dụng tốt, đa dạng hóa nguồn đầu vào. Đặc biệt năm 2018 khắc phục được tình trạng điểm 8 cũng vào được cao đẳng sư phạm thì năm nay điểm chuẩn ở mức 15, 17 điểm".
Về kỳ thi THPT Quốc gia 2019, tư lệnh ngành giáo dục cho biết: "Năm tới, chúng tôi đã đã xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và Phó thủ tướng Chính phủ để tiếp tục ổn định kỳ thi với những khắc phục cần thiết, đặc biệt là trong mục tiêu bám sát kiến thức phổ thông trong đó có sự phân hóa cần thiết. Trên cơ sở kết quả, các trường đại học, cao đẳng sử dụng để xét tuyển đầu vào".
"Nếu để các trường yếu tự tuyển sinh mà không có cơ sở thì đầu vào ồ ạt và đầu ra rất kém. Chúng tôi phải giải quyết bài toán hài hòa các đối tượng một cách tốt nhất trong điều kiện có thể" - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!