Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Văn Lai về sự thay đổi giảng dạy bộ môn Lịch sử từ độc lập sang tích hợp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận nói: “Môn Lịch sử không hề bị coi nhẹ. Chúng tôi khẳng định môn Lịch sử trong dự thảo đang lấy ý kiến được coi trọng hơn hiện hành”.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết hiện nay, học sinh THPT đang học 1,5 tiết Lịch sử/tuần. Trong khi đó, trong thiết kế dự thảo đang lấy ý kiến, học sinh không học chuyên ban Khoa học xã hội sẽ học 2,5 tiết/tuần, tăng 1 tiết và học sinh ban Khoa học xã hội sẽ học 4 tiết/tuần. Như vậy, nội dung và khối lượng kiến thức Lịch sử tăng lên rõ rệt.
Nói về việc tích hợp Lịch sử trong một bộ môn mới mang tên gọi Công dân với Tổ quốc, Bộ trưởng lý giải: “Theo tinh thần chủ trương tích hợp và trong luật giáo dục quốc phòng an ninh mà Quốc hội thông qua có quy định về việc giảng dạy lịch sử giữ nước, lịch sử quốc phòng, chúng tôi dự kiến tích hợp Lịch sử, Giáo dục công dân và Giáo dục quốc phòng để tránh sự trùng lặp”.
“Ngoài các nội dung Lịch sử được giảng dạy trong Công dân với Tổ quốc, ở những môn học khác, chúng tôi cũng dự kiến có giảng dạy Lịch sử, ví dụ như gắn Lịch sử với Văn học, Địa lý, Âm nhạc hay Mỹ thuật. Nhiều môn học cũng sẽ thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ cho việc học Lịch sử”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói thêm.
Cuối cùng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo kết luận: “Trong dự thảo đang lấy ý kiến không hề có ý giảm môn Lịch sử. Vấn đề cần thảo luận ở đây là cần giảng dạy môn Lịch sử độc lập hay tích hợp Lịch sử với các môn khác. Hiện, ban soạn thảo và bộ đang lắng nghe ý kiến toàn dân. Trên cơ sở đó sẽ có thảo luận, tiếp thu rồi báo cáo với Chính phủ”.
“Nếu tích hợp làm nhẹ môn Lịch sử thì sẽ không tích hợp, nếu tích hợp mà vẫn đảm bảo chất lượng thì chúng tôi sẽ tích hợp”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!