Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT, đã có những chia sẻ về việc vì sao sách của GS. Hồ Ngọc Đại bị đánh giá không đạt.
Chiều 22/11/2019, Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo Công bố Quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông, nhằm công bố kết quả thẩm định sách giáo khoa và quyết định của Bộ trưởng. Cũng trong buổi họp báo, thay mặt Bộ GD&ĐT, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, đã có những chia sẻ về vấn đề sách của GS. Hồ Ngọc Đại bị đánh giá không đạt gây xôn xao dư luận thời gian qua.
Ông Thái Văn Tài cho hay: "Năm 2019, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 10474 về truyền đạt ý kiến của Thủ tướng đối với ý kiến của PGS.TS Nguyễn Kế Hào. PSG.TS Nguyễn Kế Hào đã thay mặt Trung tâm Thực nghiệm của Nhà xuất bản, có một bức tâm thư, nói về băn khoăn, mong muốn của bộ sách do GS.TS Hồ Ngọc Đại đề nghị thẩm định.
"Khi PGS.TS Nguyễn Kế Hào gửi tâm thư này tới Bộ GD&ĐT, đồng gửi Thủ tướng qua Văn phòng Chính phủ, Bộ GD&ĐT rất trân trọng và đã có những báo cáo trả lời cho PGS.TS Nguyễn Kế Hào, đồng thời Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng đã trả lời bằng công văn rất rõ ràng. Bộ cũng đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, nói rõ về việc sách của GS. Hồ Ngọc Đại vì sao bị đánh giá không đạt.
"Công văn số 10474 có một số ý chính như sau:
- Thứ nhất, chỉ đạo Bộ GD&ĐT đối thoại với tác giả bộ sách. Ngay chính trong quá trình thẩm định, Hội đồng thẩm định đã đối thoại với tác giả 2 lần. Lần đầu tiên, tác giả trình bày nội dung bản thảo của mình trước Hội đồng. năm 2019. Và ngay trong lần đó, Hội đồng đã có trao đổi với tác giả những quan điểm của Hội đồng về nội dung bộ sách. Sau 7 ngày làm việc, Hội đồng phân tích những yếu tố từ bản thảo và sau đó quyết định tiếp tục mời tác giả tới làm việc để thông báo kết quả này, đồng thời hỏi han nguyện vọng, ý kiến của tác giả. Đây là hình thức đối thoại rất công khai giữa Hội đồng khoa học và tác giả. Và ở lần đối thoại này, bản thân GS. Hồ Ngọc Đại không có ý kiến gì. Và cho tới thời điểm này Bộ GD&ĐT cũng chưa nhận được bất kỳ ý kiến chính thức nào từ GS. Hồ Ngọc Đại theo đúng quyền lợi tác giả được quy định trong Thông tư 33.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với những người liên quan. Nếu họ có nhu cầu đối thoại, chúng tôi sẽ tham mưu Bộ trưởng sẽ tổ chức đối thoại với Hội đồng.
- Thứ hai, chỉ đạo rà soát lại quy trình thẩm định SGK nói chung. Ở bước này, Bộ GD&ĐT đã tổ chức rà soát sau khi nhận kết quả từ Hội đồng thẩm định. Và từ ngày 15/10 đến nay, chúng ta đang tổ chức rà soát lại tính pháp lý, các quy trình liên quan và có tham vấn một số nội dung liên quan đến Luật xuất bản và Luật sở hữu trí tuệ, thậm chí một số nội dung phải báo cáo cơ quan như Ban Tuyên giáo Trung ương. Và Bộ GD&ĐT đã thực hiện các bước đúng quy trình" - ông Thái Văn Tài cho biết thêm.
Trước đó, Bộ GD&ĐT đã tiếp nhận sách giáo khoa từ 3 đơn vị đề nghị thẩm định gồm NXB Giáo dục Việt Nam, NXB Đại học Sư phạm, NXB Đại học Sư phạm TP.HCM. Tổng số có 49 bản mẫu SGK đối với 9 môn học ở lớp 1.
Cụ thể: Môn Tiếng Việt có 6 bản mẫu; môn Toán có 6 bản mẫu; môn Đạo Đức có 6 bản mẫu; môn Tự nhiên – Xã hội có 5 bản mẫu; môn Giáo dục thể chất có 4 bản mẫu; môn Nghệ thuật (Âm nhạc) có 5 bản mẫu; môn Nghệ thuật (Mỹ thuật) có 5 bản mẫu; Hoạt động trải nghiệm có 6 bản mẫu; môn Tiếng Anh có 6 bản mẫu.
Sau khi tiếp nhận bản mẫu SGK từ BTC, mỗi thành viên Hội đồng nghiên cứu độc lập (15 ngày). Sau đó, Hội đồng làm việc tập trung để thảo luận (7 ngày).
Dựa vào các tiêu chí, tiêu chuẩn và các yêu cầu cần đạt của từng bản mẫu SGK theo quy định Thông tư số 33, Hội đồng tiến hành thẩm định từng bản mẫu SGK và kết luật theo 3 mừc: Đạt, Đạt nhưng cần chỉnh sửa, Không đạt.
Sau 2 vòng thẩm định, có 38/49 bản mẫu SGK lớp 1 ở tất cả 9 môn học/hoạt động giáo dục tương đương 77,7% được đánh giá mức Đạt. Có 11/49 bản mẫu SGK lớp 1 ở tất cả 6 môn học/hoạt động giáo dục tương đương 22,3% được đánh giá ở mức Không đạt.
Hầu hết các tác giả có bản mẫu SGK xếp loại Không đạt đều có nguyện vọng và gửi đơn đề nghị về Bộ GD&ĐT để được tiếp tục chỉnh sửa, biên soạn lại theo góp ý của các Hội đồng và tiếp tục trình thẩm định lại theo quy đinh. Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức thẩm định các bản mẫu này như thẩm định lần đầu vào tháng 12/2019.
Sau khi tiếp nhận các bản mẫu SGK lớp 1 được Hội đồng thẩm dịnh đánh giá ở mức Đạt, Bộ GD&ĐT tiến hành các bước rà soát, kiểm tra cuối cùng về các nội dung liên quan đến tính pháp lý đối với SGK để trình Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt.
Ngày 21/11/2019, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã ký Quyết định 4507/QĐ-BGDĐT phê duyệt Danh mục SGK lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông. Theo đó, có 32 SGK của 8 môn học và hoạt động giáo dục được phê duyệt trong lần này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!