Có nhiều báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt không nêu công suất, số lượng thiết bị khai thác, thời gian và sản phẩm khai thác. Đặc biệt, báo cáo đánh giá tác động môi trường không đề cập việc giám sát thông số phóng xạ trong nước.
Qua công tác giám sát chất lượng môi trường cho thấy, phần lớn chất lượng nước tại các hố khai thác của các công ty đều có nhiều chỉ tiêu không đạt chuẩn. Tại các Công ty CP Thời Thuận, Công ty CP Kim Triều, Công ty CP khai thác mỏ Tự Lực, Công ty CP Khoáng sản Biotan và Công ty TNHH Xây dựng và Tổng hợp Nhơn Lộc, nhiều mẫu nước vượt chuẩn cho phép rất nhiều lần. Ngoài ra, tại các khu vực khai thác, chế biến titan, không khí bị ô nhiễm vượt từ 4,5-6,2 lần so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí.
‘ Tại khu vực khai thác titan, không khí bị ô nhiễm vượt từ 4,5-6,2 lần so với quy chuẩn
Đánh giá mức độ ô nhiễm phóng xạ do sa khoáng titan trên địa bàn tỉnh Bình Định, nhiều chuyên gia cho rằng, quá trình khai thác, chế biến, sử dụng các sa khoáng đã làm tăng khả năng xâm nhập của các nguyên tố phóng xạ vào môi trường xung quanh gây ô nhiễm phóng xạ nghiêm trọng. Người dân sinh sống ở vùng có quặng sa khoáng titan, công nhân làm việc ở xưởng tuyển khoáng có nguy cơ nhiễm xạ cao hơn những vùng khác.
Tính đến nay, Bình Định có 31 đơn vị được cấp giấy phép khai thác, chế biến và xuất khẩu titan với sản lượng đăng ký là 620 tấn quặng titan/năm, chủ yếu tập trung ở các xã ven biển hai huyện Phù Cát và Phù Mỹ.