Đáng chú ý, khu vực xảy ra nứt, lở lại chính là nơi cuối năm 2018 Sở GTVT tỉnh Thái Nguyên hoàn thành một công trình xử lý sạt lở.
Không chỉ trên bề mặt các rãnh thu nước của công trình xử lý sạt lở, những vết nứt lớn còn xuất hiện ở nhiều nơi trên sườn núi. Sống ngay dưới chân núi, anh Dương Ngọc Thức cho biết, hôm trước, anh đã chuyển vợ con đi ở nhờ nhà bà con trong xã cho an toàn. Anh rất lo mỗi khi nhớ lại mùa mưa năm 2018.
Hiện tượng nứt, lở núi ở xã Tân Thái đang diễn biến khó lường. Một lượng lớn nước mưa tích tụ, chảy ra từ bên trong lòng núi suốt ngày đêm. Những ngày mưa lớn đang làm suy giảm nhanh độ liên kết của lớp đất đá.
UBND huyện Đại Từ xác nhận, hiện tượng nứt, lở núi tái diễn kể từ sau những đợt mưa lớn hồi cuối tháng 5 vừa qua. Khu vực nguy hiểm có 14 hộ dân. Huyện đã cắm biến cảnh báo và chủ động triển khai phương án phòng chống sạt lở núi.
Lý giải về chất lượng công trình xử lý sạt lở, đại diện chủ đầu tư khẳng định, công trình đã được nghiệm thu, gồm 5 bậc đào giật cấp từ đỉnh xuống đến chân núi. Tuy nhiên, đơn vị này cũng cho biết, mục đích của công trình không phải để phục vụ cho công tác phòng chống sạt lở núi.
Được biết, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Thái Nguyên, việc lựa chọn một đơn vị tư vấn độc lập có đủ năng lực để khảo sát địa chất, đề xuất giải pháp xử lý hiệu quả hiện tượng nứt, lở núi đã được tính đến từ năm 2018. Thế nhưng cho đến nay, phương án này vẫn chỉ nằm trên giấy.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!