Tại sao lại né tránh Trung Quốc?
Đây là vấn đề mà đại biểu Dương Trung Quốc đặt ra trong phiên thảo luận về kinh tế, xã hội tại Quốc hội vào sáng nay (31/10).
"Ngay trên diễn đàn Quốc hội, vẫn có sự né tránh. Thay thế chỉ đích danh Trung Quốc bằng khái niệm rất mơ hồ là nước ngoài. Người dân chúng ta thấy thế nào và người Trung Quốc thấy thế nào về cái tâm thế khó hiểu ấy. Sau này, con cháu chúng ta những người đọc sử hậu duệ của chúng tôi đọc những văn bản nghĩ gì về thời đại chúng ta đang sống?", đại biểu Dương Trung Quốc đặt câu hỏi.
Đại biểu Dương Trung Quốc
Theo ông Quốc, dân tộc chúng ta có cả một chiều dài lịch sử, không chỉ có chiến tranh bảo vệ tổ quốc mà có thời kỳ rất dài hòa hiếu quan hệ ngoại giao Trung Quốc.
"Chúng ta có đầy đủ kinh nghiệm của ông cha chúng ta để giữ ưu thế trong mối quan hệ ấy, bảo đảm môi trường hòa bình phát triển", ông Quốc khẳng định.
Người dân cần thêm thông tin
Cùng liên quan đến vấn đề chủ quyền, lãnh thổ, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cho biết việc bảo vệ chủ quền, chúng ta đều thấu hiểu Đảng, Nhà nước, tất cả mọi người dân Việt Nam đều muốn bảo vệ chủ quyền, không bất kỳ có sự nhân nhượng nào về việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ các quyền liêng thiêng của dân tộc chúng ta.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa
"Theo tôi, thông qua hệ thống chính trị, chúng ta cần thông tin đầy đủ hơn kịp thời hơn đến người dân về vấn đề, để người dân yên tâm về tương lai và kết quả bảo vệ chủ quyền của đất nước chúng ta", ông Nghĩa cho biết.
Trước đó, vào chiều qua (30/10), phát biểu tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) cho rằng, ở Biển Đông, Trung Quốc đã chuyển từ giai đoạn bồi đắp sang giai đoạn quân sự hóa và khai thác, sử dụng.
"Chúng ta cần công khai, cập nhật chi tiết các hoạt động lấn chiếm biển đảo, vi phạm luật pháp quốc tế của họ để dư luận tiến bộ Việt Nam, dư luận thế giới, bao gồm cả nhân dân Trung Quốc được biết", ông Hiếu nhấn mạnh.
Ông Hiếu cho biết, các phương pháp chúng ta sử dụng trong thời gian vừa qua với phương châm vừa hợp tác vừa đấu tranh kiên quyết, kiên trì xử lý các hành vi xâm phạm chủ quyền "không làm giảm đi lòng tham của họ".
Theo đại biểu đoàn An Giang, chúng ta cần có các biện pháp mới theo nguyên tắc mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã khẳng định bất di bất dịch là "không bao giờ nhân nhượng chủ quyền và những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!