Chiều 12/8, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã có cuộc họp khẩn cấp dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát.
70% các mô hình dự báo của thế giới cho rằng, bão sẽ đi qua bán đảo Lôi Châu đổ bộ vào Quảng Đông - Trung Quốc với cường độ mạnh cấp 13. Nhưng những vùng gió mạnh cấp 10 của bão lại vẫn bao trùm hết Vịnh Bắc Bộ và khu Đông Bắc Việt Nam. Có thể sẽ gây ra một đợt mưa lớn ở vùng núi đồng bằng, trung du và các tỉnh ven biển miền bắc. Như vậy chỉ còn đêm 12, ngày 13/8, muộn nhất là sáng sớm 14/8 để các địa phương có phương án ứng phó với mưa lớn và lũ lụt.
Theo quy luật thì tháng 8, tháng 9, tháng 10 là tần suất bão lớn nhất trong năm. Có tới 60% cơn bão ở Thái Bình Dương hoạt động vào 3 tháng này. Tháng 8/1973 và 1995 có 3 cơn bão vào biển Đông, còn năm nay, mới có 12 ngày đầu tháng 8 đã có 3 cơn cộng với 1 áp thấp nhiệt đới.
‘ Ảnh: Báo Khoa học
Trước tình trạng bão Utor - cơn bão số 7 hiện đang mạnh cấp 13, giật cấp 15, 16 - sức mạnh của một siêu bão, Ban chỉ đạo PCLBTƯ nhấn mạnh, phải đề phòng trường hợp xấu nhất sẽ ảnh hưởng đến Vịnh Bắc Bộ ở cấp 10, vùng gần tâm bão cấp 12. Thời gian là chiều 15/8, Vịnh Bắc Bộ gió mạnh cấp 9, cấp 10, vùng núi như Cao Bằng, Lạng Sơn, đồng bằng trung du và ven biển, đặc biệt là những tỉnh sát biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Móng Cái sẽ có gió mạnh, mưa lớn từ đêm 15 đến 17/8. Với hướng di chuyển lệch dần về phía Tây Bắc, bão Utor vẫn có đến 30% xác suất vào Việt Nam. Bởi vậy, lúc này vấn đề được Ban chỉ đạo PCLBTƯ nhấn mạnh:
Trên biển, vừa kêu gọi và thông báo về cơn bão để các tàu thuyền ở phía Tây và phía Bắc Vịnh Bắc Bộ về nơi tránh trú an toàn.
Trong đất liền, mặc dù lũ ở các sông miền bắc đang xuống chậm, nhưng những ngày qua, các đê ở miền Bắc đã bộc lộ nhiều sự cố như nứt đê, sạt trượt mái đê, thấm, rò rỉ. Đề phòng bão số 7 gây một đợt mưa lớn và lũ mới tăng trở lại trên hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình.
Các tỉnh đang có sự cố đê là Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội, Hà Nam cần gấp rút khắc phục các sự cố, chuẩn bị phương án đề phòng lũ lớn.