Sáng nay (7/7), tại Kiên Giang, Bộ NN&PTNT đã tổ chức Hội nghị sơ kết 10 năm hoạt động khu bảo tồn biển Phú Quốc. Đây là 1 trong 12 khu bảo tồn biển trên cả nước có vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường và nguồn lợi hải sản. Tuy nhiên, để các khu bảo tồn biển hoạt động đúng chức năng và đem lại hiệu quả cho sinh thái biển thì còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ.
Tại hội nghị sáng nay, một vấn đề lớn được các bên đưa ra bàn thảo là làm thế nào để giải quyết mối quan hệ giữa bảo vệ, bảo tồn với phát triển kinh tế và phát triển du lịch. Thực tế, tại khu bảo tồn biển Phú Quốc mặc dù đã được quy hoạch và đi vào hoạt động trong 10 năm qua, nhưng đến nay yếu tố bảo tồn đang khá yếu ớt trước áp lực kinh tế.
Theo báo cáo của Ban quản lý khu bảo tồn biển Phú Quốc, sau 10 năm đi vào hoạt động với diện tích gần 27.000 ha, gồm hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn và các loài động, thực vật quý hiếm, bước đầu nhận thức về bảo tồn của người dân được nâng cao ở khu bảo tồn biển Phú Quốc khi hàng loạt các vụ vi phạm như vận chuyển trái phép san hô, giết hại rùa biển, bò biển… đã được ngăn chặn.
Tuy nhiên, vấn đề lớn dược các bên đưa ra là áp lực giữa bảo tồn và phát triển kinh tế. Đơn cử như tại vùng cỏ biển, vốn là phân khu bảo vệ nghiêm ngặt ở Phú Quốc nhưng hiện đã có tới 5 dự án được chấp thuận, thậm chí có 1 dự án còn xây dựng nhà nghỉ trên biển, vi phạm quy định tại Nghị định 57 của Chính phủ đối với các khu bảo tồn. Hiện hầu hết các đảo trong vùng lõi đều có chủ đầu tư.
Theo tổ chức bảo vệ thiên nhiên thế giới, hiện mới chỉ có 1% tổng diện tích đại dương toàn cầu được bảo vệ nghiêm ngặt. Việt Nam còn 4 khu bảo tồn biển đang được quy hoạch chi tiết và trình Chính phủ phê duyệt. Để 16 khu bảo tồn biển này đi vào hoạt động hiệu quả, Bộ NN&PTNT cho biết trên cơ sở ý kiến của các bên sẽ đưa công tác bảo tồn biển vào Luật Thủy sản sửa đổi trình Quốc hội và sẽ được thông qua trong tháng 10/2017.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!