Bài học từ ốc bươu vàng, rùa tai đỏ vẫn còn nguyên giá trị thì mới đây, tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, người dân đã phát hiện tôm hùm nước ngọt trong ruộng lúa. Thêm một loài sinh vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại đã lọt vào nước ta và cũng thêm một lần nữa cảnh báo trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong công tác quản lý lĩnh vực này.
Ông Đinh Văn Út là người cho Công ty Hoàng Giang thuê 2,5 ha đất để trồng sen. Sau đó, đại diện công ty này đưa cho ông Út 4kg giống tôm lạ để nuôi. Nghe nói loại tôm này thịt thơm ngon, rất dễ nuôi và không gây hại cho môi trường xung quanh nên ông Út nhanh chóng đồng ý.
Tuy nhiên, dù đã có bao xung quanh, nhưng chỉ sau một thời gian, loại tôm lạ này đã xuất hiện trong nhiều ruộng lúa của người dân gần đó. Khi phát hiện sự việc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức đoàn kiểm tra và xác định đó là tôm hùm nước ngọt. Loài này có tên khoa học là procambarus clarkii, có nguồn gốc từ Bắc Mỹ, một loài sinh vật bị cấm nhập khẩu vào Việt Nam. Theo các nhà chuyên môn, tôm hùm nước ngọt có vỏ cứng, cặp càng to, khối lượng thịt khoảng 15 đến 20% trọng lượng cơ thể.
Ốc bươu vàng, rùa tai đỏ, cá lau kính, chồn nhung đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều địa phương trong cả nước. Ốc bươu vàng có xuất xứ gần giống tôm hùm nước ngọt, cũng ở Nam Mỹ. Gần 20 năm trước, được đưa vào nuôi thử nghiệm và chỉ vài năm sau, nạn ốc bươu vàng đã bùng phát trên phạm vi cả nước gây ảnh hưởng đến hơn 8.500 ha lúa, hơn 6.000 ha ao hồ và hàng trăm km sông ngòi, kênh, mương. Tổ chức nông lương thế giới đã phải viện trợ khẩn cấp hơn 250.000 USD để diệt ốc bươu vàng. Cả nước đã phải huy động lực lượng và chi phí để diệt ốc bươu vàng lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Chưa biết sẽ còn loại sinh vật ngoại lai nào tiếp tục vào Việt Nam nhưng rõ ràng, chúng đã vượt qua sự quản lý của các cơ quan Nhà nước một cách khá dễ dàng.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!