Ngày 17/6, Bộ Y tế phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức hội thảo đẩy mạnh triển khai hồ sơ sức khỏe (HSSK) điện tử trên toàn quốc. Mỗi người dân sẽ có một mã định danh y tế (ICD) dựa trên số bảo hiểm xã hội. Trong tháng 9, Bộ Y tế sẽ xây dựng xong mã định danh này.
Bộ Y tế phấn đấu đến năm 2025 có 90% dân số được quản lý HSSK điện tử; đến năm 2030 đạt 95%. Do vậy, từ giai đoạn 2017 - 2018 và tháng 6.2019 là thời điểm xây dựng cơ chế chính sách, phần mềm và từ tháng 7.2019, triển khai rộng rãi trên toàn quốc.
Theo Cục công nghệ thông tin (CNTT) - Bộ Y tế, hiện đã có 31 tỉnh triển khai HSSK điện tử. Hiện có 7 phần mềm nhưng phần lớn phần mềm chưa đạt chuẩn đầu ra chung. Riêng Cục CNTT cũng đã triển khai thí điểm thành công tại Nghệ An và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Theo Cục công nghệ thông tin cho biết, Cục CNTT đã đề xuất thành lập hội đồng của Bộ để thẩm định phần mềm HSSK điện tử do Cục CNTT xây dựng trước khi chuyển giao để triển khai theo đề nghị của các địa phương và bắt đầu triển khai rộng rãi từ tháng 7.
Bước đầu HSSK điện tử sẽ được chuyển cho cho trạm y tế phường, xã phường để quản lý. Nếu người dân đến trạm y tế khám chữa bệnh thì khi kết thúc, trạm phải cập nhật thông tin vào HSSK điện tử. Nếu người dân đi khám chữa bệnh ở bệnh viện, khi kết thúc thì bệnh viện phải phải cập nhật thông tin người bệnh vào HSSK điện tử.
Tuy nhiên, tình trạng các Sở Y tế không có tiền, không có máy chủ nên máy chủ phải đặt tại các doanh nghiệp. Do vậy phải xây dựng quy chế phối hợp, làm hợp đồng quản lý, DN chỉ có trách nhiệm xây dựng, triển khai còn thai thác và xử lý dữ liệu đó phải thuộc Sở Y tế. Còn nếu lọt thông tin thì doanh nghiệp quản lý máy chủ phải chịu trách nhiệm. Hiện hầu hết các Sở Y tế chưa có thỏa thuận và quy chế phối hợp an toàn thông tin cho người dân.
Theo Cục công nghệ thông tin, các Sở Y tế ngoài việc ứng dụng CNTT còn cần quan tâm đến an toàn thông tin cho người dân. Thông tin về sức khỏe người dân là thông tin bảo mật của từng cá nhân, muốn khai thác thì phải được sự đồng ý của người dân, trừ trường hợp theo luật quy định, cũng như bác sĩ cũng chỉ được khai thác khi bệnh nhân vào bệnh viên.
Bên cạnh đó, việc triển khai HSSK điện tử còn nhiều khó khăn, ngành y tế còn lúng túng do chưa có kinh nghiệm, cơ chế chính sách chưa đồng bộ nên đang xây dựng mã định danh y tế, chuẩn kết nối liên thông giữa các phần mềm, xây dựng cơ chế tài chính, xây dựng quy chế, quy định cập nhật HSSK điện tử, quản lý HSSK điện tử, quy định về an toàn thông tin...
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!