"Báo chí giữ vai trò quan trọng để tạo đồng thuận"

Văn Thành-Thứ ba, ngày 15/01/2013 12:02 GMT+7

Chương trình "Sự kiện và bình luận" với sự tham gia của TS. Đỗ Chí Nghĩa - Phó Trưởng khoa Phát Thanh - Truyền hình của Học viện Báo Chí và Tuyên truyền. (Ảnh: VTV News)

“Trách nhiệm của quản lý Nhà nước trong việc tạo sự đồng thuận của xã hội chắc chắn không thể thiếu vai trò của báo chí...”, TS. Đỗ Chí Nghĩa - Phó Trưởng khoa Phát Thanh - Truyền hình của Học viện Báo Chí và Tuyên truyền chia sẻ.

Năm kinh tế xã hội 2013 đang bắt đầu - một năm sẽ còn nhiều thử thách và khó khăn, đòi hỏi sự đồng tâm cố gắng của mọi người, mọi nhà để vượt qua. Cũng vì vậy, Nghị quyết đầu tiên của năm nay - Nghị quyết 01 của Chính phủ đã chỉ ra những giải pháp chủ yếu về chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH năm 2013 và Dự toán ngân sách Nhà nước.

Trong Nghị quyết số 01, Chính phủ nêu rất rõ tinh thần đồng bộ của mọi công việc, đó là kết hợp giữa tăng trưởng với ổn định kinh tế, phát triển và đảm bảo anh sinh xã hội; hội nhập kinh tế quốc tế nhưng vẫn giữ vững an ninh quốc phòng. Để làm được như thế không thể không cùng nhau đồng lòng và quyết tâm. Vì vậy ở nhóm giải pháp thứ 9, Nghị quyết nhấn mạnh đến việc tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tạo sự đồng thuận xã hội. Đây thực sự là một nhiệm vụ vẻ vang song cũng vô vàn thách thức dành cho các cơ quan thông tin tuyên truyền trong đó có các cơ quan báo chí truyền thông.

Chương trình Sự kiện và bình luận với sự tham gia của TS. Đỗ Chí Nghĩa, Phó Trưởng khoa Phát Thanh - Truyền hình của Học viện Báo Chí và Tuyên truyền đã làm rõ những nội dung này.

Pv: Thưa TS. Đỗ Chí Nghĩa với một câu chuyện chúng tôi đặt ra ngày hôm nay, đó là vai trò và chức năng thông tin tuyên truyền của báo chí, để tạo ra sự đồng thuận của xã hội đối với các chính sách. Tiến sĩ tiếp cận như thế nào về cặp quan hệ báo chí và chính sách?

TS. Đỗ Chí Nghĩa: Báo chí và chính sách là câu chuyện rất hay. Thực sự là vai trò của quản lý Nhà nước, trách nhiệm của quản lý Nhà nước trong việc tạo sự đồng thuận của xã hội sẽ không thể thiếu vai trò của báo chí, đây là điều chắc chắn.

Chúng ta hình dung thế này, quyết định quản lý đến với người dân, đến với xã hội bằng cách nào? Có những thống kê cho biết 70% quyết định mới đến với người dân thông qua báo chí. Tôi nghĩ con số này còn có thể lớn hơn, bởi vì nhiều khi người dân, thậm chí cả công chức, họ sẽ không tiếp cận với pháp lệnh, hoặc một văn bản quản lý dài, mà họ chỉ cần tìm hiểu điều mới nhất ở đó là gì, rõ ràng họ sẽ tìm đến báo chí.

Thứ hai nữa là ngay nhà quản lý dù có năng lực đến đâu đi chăng nữa, đầy trách nhiệm công việc như thế nào, thì cũng không thể đến thủ thỉ gặp người dân nói rằng ngày mai có những quyết định mới. Vì vậy họ có thể xem trên truyền hình, hoặc xem trên báo để biết.

Rõ ràng một chính sách mới ra đời, để đưa thông tin đó đến với công chúng, đến với người dân thì vai trò của báo chí rất quan trọng. Ngoài ra báo chí còn đưa những thông tin nhiều chiều để tạo nên cái nhìn tổng thể về khó khăn, thuận lợi của chính sách nữa. Tất cả những việc làm đó với mục tiêu cuối cùng là để chính sách đi vào cuộc sống của người dân.

Pv: Những điều Tiến sĩ nói cho thấy sự phối hợp rất khăng khít của 2 mối quan hệ báo chí và chính sách...?

TS. Đỗ Chí Nghĩa: Báo chí trong sự đồng thuận chung, đất nước chúng ta xác định đó là tiếng nói của Đảng, của Nhà nước. Nhưng có một vế rất quan trọng là cơ quan quản lý rất cần ở báo chí kênh thông tin từ phía người dân, rất cần sự phản ánh những khó khăn từ phía người dân. Chính điều đó làm tư duy của nhà quản lý phong phú lên, sát thực hơn. Điều này sẽ làm cho nhà quản lý gần gũi với cuộc sống, kịp thời điều chỉnh những vấn đề không phù hợp. Tất nhiên vai trò quan trọng của báo chí chính là tiếng nói của Đảng, của Nhà nước để đưa chính sách đến với người dân đúng lúc, đúng cách và hiệu quả nhất.

PV: Chúng tôi đang được đối thoại với một nhà lý luận và chúng tôi cũng có rất nhiều những câu chuyện thực tiễn xin được trắc nghiệm thử với Tiến sĩ: Nếu như chúng ta ví sự song hành giữa báo chí với chính sách là một cặp rất khăng khít thì có thể ví một hình ảnh nào sau đây:

- Đó là một cỗ xe song mã

- Đó là hai đường ray tàu hỏa

- Hai chiếc đũa trong một đôi đũa

TS. Đỗ Chí Nghĩa: Dưới góc độ xã hội mỗi hiện tượng, mỗi lĩnh vực đều có thiên chức riêng của nó và không so le nhau song song một cách thuần túy như thế.

Tôi ví dụ, khi quyết định của nhà quản lý đưa ra, ai cũng muốn quyết định của mình là luôn luôn đúng. Ai cũng mong muốn quyết định đó đi ngay vào hiện thực để tạo ra hiệu quả. Bởi vì quyết định đó khi đưa ra đã có cân nhắc, đã có tổng kết và nhà quản lý là người hiểu lĩnh vực đó hơn hết. Nhưng khi áp dụng vào thực tiễn xã hội lại không đơn giản vì người thực hiện lại có những lợi ích khác, nhận thức khác và thực tiễn sẽ có những vấn đề khác nảy sinh. Nếu điều đó bị báo chí phản ánh, đôi khi nhà quản lý sẽ thấy hơi vướng bởi vì báo chí không đồng thuận với mình. Và cho rằng hình như lợi ích của báo chí hơi khác, hình như một vài tờ báo là chạy theo bán báo.

Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu đi trọn vẹn con đường ấy, cung cấp thông tin một cách cởi mở và tin cậy thấu hiểu nhau, cái đích cuối cùng sẽ là sự gặp gỡ lẫn nhau.

PV: Chúng ta vừa nói rất nhiều điều về lý luận nhưng chúng tôi muốn quay trở về với thực tiễn báo chí với những ví dụ rất thời sự. Đó là những ví dụ đại diện cho câu chuyện thực thi chính sách và đưa chính sách vào cuộc sống. Trong đó người ta nhìn thấy rõ mối quan hệ giữa nhà báo – chính sách với các nhà hoạch định chính sách.

Chắc chúng ta không thể quên việc mới đây Nhà nước áp dụng việc thu phí bảo trì đường bộ. Mọi người mong chờ đến ngày 1/1/2013 - ngày đầu tiên về thông tư thực hiện hướng dẫn quy định này có hiệu lực. Nhưng ngay ở ngày đầu tiên, mọi người đã thấy một sự quá tải cục bộ đã bắt đầu xảy ra. Thống kê ban đầu cho thấy, từ khi triển khai thu phí, lượng xe đến với các trung tâm đăng kiểm tăng 15% so với các ngày bình thường. Điều này cũng chưa hẳn nói lên được điều gì ở việc thực thi chính sách này. Tuy nhiên, nó cũng gieo vào đầu mọi người một chút gì ái ngại về một hình ảnh chưa được “nuột” lắm của việc bắt đầu thực hiện chính sách.

Từ câu chuyện thực tiễn này, Tiến sĩ soi chiếu như thế nào giữa quan hệ nhà báo hay cơ quan báo chí với chính sách, các cơ quan ban hành chính sách.

TS Đỗ Chí Nghĩa: Khi một chính sách dù là đúng nhưng khi đi vào triển khai rõ ràng nó vẫn có những vướng mắc, có thể do điều kiện cụ thể chúng ta chưa tính hết được. Vướng mắc có thể do người thực hiện nói như anh là chưa được “nuột” lắm, chưa được nhuần nhuyễn lắm với tư duy chỉ đạo từ trên.

Rõ ràng là vai trò của báo chí có thể đồng thuận với chính sách, nhìn ra chính sách đó là hợp lý trên tổng thể, nhưng trách nhiệm của báo chí là phải phản ánh hiện thực trong khi triển khai. Không thể coi đấy là hiện tượng báo chí chống lại chính sách và đi ngược lại chính sách đã được đồng thuận từ trước.

Tôi cho rằng nhà quản lý phải lắng nghe vướng mắc này, nếu mọi chính sách đi vào cuộc sống êm đềm, đương nhiên đó không phải là cuộc sống. Như thế vai trò của nhà quản lý rất mờ nhạt, dấu ấn thủ lĩnh, dấu ấn trách nhiệm sẽ không có.

Rõ ràng khi có ách tắc thì mới cần nhà quản lý, cần phải có những tháo gỡ tiếp theo vì không phải ra chính sách là xong mà cần thúc đẩy khuyến khích, động viên điều chỉnh, lúc đó báo chí sẽ cho những kênh thông tin cần thiết. Lúc này nhà quản lý cần nghe tiếng nói thẳng kể cả những thứ gai góc nhất, đấy là bản lĩnh của nhà quản lý. Thậm chí báo chí mà nói chưa hết, phải khuyến khích báo chí nói hết, đề nghị báo chí nói hết. Bởi vì nếu tin là chính sách của mình đúng, vậy thì tại sao chính sách đó lại vướng? Câu trả lời sẽ có từ thực tiễn, gỡ được thực tiễn đó càng chứng minh được chính sách là đúng. Nếu chính sách đó có một vài cái chưa đúng thì rõ ràng trách nhiệm đó phải điều chỉnh vì mục tiêu cao hơn phương thức.

Pv: Phải chăng Tiến sĩ Nghĩa muốn phân biệt rất rõ với các nhà quản lý rằng đừng có nghĩ báo chí cứ đề cập đến vấn đề chính sách thì sẽ có một chuyện gì đấy là phản đối?

TS. Đỗ Chí Nghĩa: Tôi nghĩ rất nhiều nhà quản lý hiểu báo chí, rất nhiều nhà quản lý khi nghe những vướng mắc, những quan điểm không đúng với mình họ sẵn sàng gặp nhà báo, đề nghị nhà báo nói tiếp, nói kĩ hơn.

Pv: Thường những điều báo chí phản ánh là những điểm chưa ổn của chính sách. Phải chăng chính sự xuất hiện thông tin và những điểm chưa ổn của chính sách vào đúng thời điểm người ta chưa mong muốn lắm sẽ tạo ra xung đột hay dẫn đến sự hiểu lầm?

TS. Đỗ Chí Nghĩa: Điều này rất đúng. Chẳng hạn khi đang say xưa làm một việc gì đó rất tâm huyết, rất trách nhiệm nhưng khi báo chí nói nhiều quá mặt chưa đúng, chưa hợp lý thì người ta có cảm giác báo chí chưa hiểu mình, báo chí chưa công bằng với mình.

Ở đây có hai vấn đề đặt ra: Thứ nhất báo chí cần nhìn vấn đề toàn diện hơn. Tôi nghĩ báo chí phải có trách nhiệm đó, phải công tâm, toàn diện, đặt mình vào vai người khác. Khi đặt vào vai người khác, phải quan tâm tới vấn đề và tư duy kĩ hơn để hiểu một cách hệ thống, công bằng hơn.

Thứ hai: Bản thân trách nhiệm của nhà quản lý, trong việc thực hiện quyết định quản lý có một việc rất quan trọng đó là thông tin. Nhà quản lý phải làm sao để nhà báo hiểu mình, bởi khi nhà báo chưa hiểu thì người dân làm sao hiểu được. Đó chính là trách nhiệm của nhà quản lý, cái tầm của nhà quản lý.

Pv: Như vậy có thể nâng cấp lên một chút mối quan hệ giữa cơ quan báo chí – nhà báo – cơ quan chính sách với nhà quản lý. Hình như nó là công luận chính sách nhà quản lý thì đúng hơn?

Ts Đỗ Chí Nghĩa: Về mặt mô hình nhà báo là người nói tiếng nói của công chúng đến với các nhà quản lý, và ngược lại sẽ là cầu nối đưa chính sách của nhà quản lý đến với công chúng và xã hội. Gọi là cầu nối nhưng là cầu nối có chính kiến, không phải là đưa thông tin một cách thuần túy. Khi nhà báo đã hiểu rồi, họ sẽ có cách để cho công chúng hiểu một cách phù hợp nhất.

Quan trọng là mọi người đừng đóng cửa thông tin, thông tin phải cởi mở một cách phù hợp, đúng mức nhất để tạo ra kênh thông tin nhiều chiều. Mọi người cũng không nên bực dọc với những thông tin mình không muốn lắm, bởi đó là chuyện bình thường trong cuộc sống.

PV: Nói về cách ứng xử của báo chí thì theo TS. Đỗ Chí Nghĩa trong trường hợp nếu báo chí bị mắng mỏ nên ứng xử như thế nào?

TS. Đỗ Chí Nghĩa: Trước hết nhà báo phải xác định trách nhiệm của báo chí cho đúng, nếu muốn người khác cởi mở thông tin phải tạo ra sự tin cậy. Nhà báo tạo được niềm tin với công chúng, cũng phải tạo được niềm tin với nguồn tin của mình trong đó một nguồn tin rất quan trọng là các nhà quản lý.

Vâng rất cảm ơn sự tham gia chia sẻ ý kiến của TS. Đỗ Chí Nghĩa!

Báo chí là cơ quan ngôn luận của Đảng của Nhà nước của Chính phủ, là diễn đàn của nhân dân, đó là những lí luận hết sức kinh điển. Trên báo chí có nhiều thông tin nhưng hàm lượng thông tin về chính sách, về các thông tin xoay quanh hoạt động quản lý của Nhà nước, bao giờ cũng chiếm dung lượng lớn và là những thông tin cơ bản. Thông tin báo chí sẽ thực sự góp phần tạo sự đồng thuận lớn trong xã hội đối với chính sách, nếu nhà báo, nhà quản lý cùng hợp tác và đồng thuận với nhau trong cách tiếp xúc, tiếp cận, cách làm việc.

Tuy nhiên, cũng phải lưu ý rằng chính sách sẽ thực sự trở thành sự đồng thuận, nếu trên gương mặt mỗi người dân khi phóng viên phỏng vấn có phảng phất đâu đấy nét tươi mới, khi họ được hỏi về chính sách mà họ đang thụ hưởng.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước