Theo ghi nhận, tại các bản vùng cao chưa có điện ở Sơn La, cứ vài ngày, những người chồng lại phải đi kiểm tra máy phát điện tự chế ở suối. Đây là điều mà các bà vợ lo nhất khi mùa mưa, lũ ập về bất ngờ. Thế nhưng, hơn 1 năm nay, những người vợ như chị Hoán không phải lo lắng nữa, vì hơn 92% các xã ở Sơn La đã có điện kéo về tận nhà. Có điện, việc bếp núc của phụ nữ Thái cũng nhanh gọn lẹ. Rau củ đã có tủ lạnh bảo quản, nấu cơm với nồi cơm điện nên việc chuẩn bị cũng chỉ mất 5 phút.
Lúa đầy đồng, thóc đầy nhà, cảnh sắc yên bình này của xã Pú Cá có được cũng là nhờ một phần từ dòng điện quốc gia. Điện về bản, người dân sống được ngay chính trên nơi cha sinh mẹ đẻ mà không phải đi làm ăn xa.
Từ chỗ là tỉnh có tỷ lệ số hộ nông thôn sử dụng điện thấp nhất toàn quốc vào năm 2015, hiện nay, Sơn La đã cấp điện thêm cho gần 1.500 hộ dân tại 4 huyện vào năm 2017.
Với đặc thù là tỉnh có dân số chủ yếu là đồng bào dân tộc và nhiều vùng giáp biên, Sơn La coi phát triển hệ thống điện nông thôn không chỉ cải thiện đời sống mà còn gắn kết giữa các dân tộc, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực biên giới Việt - Lào.
Từ ngày có điện, điệu "inh lả ơi" của người Thái được vang lên đều đặn hơn trong những buổi sinh hoạt cộng đồng, có bản còn có cả khách du lịch đến xem. Với người Thái, điện không chỉ thay đổi đời sống mà còn giúp bản sắc được lưu giữ và lan tỏa.
Từ vùng sâu điện còn vươn đến các đảo xa. Chương trình điện khí hóa nông thôn đã giúp 140.000 hộ dân trên các đảo tiền tiêu của Tổ quốc được dùng điện lưới quốc gia. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế biển, bảo vệ môi trường và đặc biệt là góp phần giữ vững an ninh chủ quyền biển đảo từ dòng điện năng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!