Đường ống nước sông Đà số 1 từng bị vỡ 17 lần đã dùng ống dẫn có đường kính 1,8m. Đường ống trong dự án cấp nước sông Đà số 2 lại tiếp tục được chủ đầu tư chọn loại ống có đường kính tương tự. Mặc dù TP Hà Nội đã có kiến nghị yêu cầu kiểm định, đánh giá chất lượng toàn diện đoạn đường ống mẫu do nhà thầu Trung Quốc cung cấp, nhưng một số chuyên gia cho rằng, dùng đường ống nước có đường kính 1,8m chưa hẳn đã phù hợp.
Theo Hồ sơ mời đấu thầu quốc tế do Vinaconex đưa ra vào tháng 8/2015, nhà thầu phải có khả năng cung cấp ống dẫn nước có đường kính tối thiểu là 1,6m. Các nhà thầu đã nộp hồ sơ đấu thấu vì thấy mình đáp ứng được yêu cầu này. Tuy nhiên, theo báo cáo của TP Hà Nội trình Thủ tướng Chính phủ, từ tháng 8/2015 đến tháng 3/2016, chủ đầu tư đã tổ chức lựa chọn nhà thầu cho gói thầu: Cung cấp ống gang dẻo và phụ kiện với chiều dài 21km, đường kính 1,8m. Theo tiêu chuẩn này, chỉ có công ty Xinxing đáp ứng được kinh nghiệm thực hiện hợp đồng cung cấp hàng hóa tương tự.
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Trần Hữu Uyển, nguyên Viện trưởng Viện Cấp thoát nước và Môi trường cho biết, loại ống có đường kính 1,8m hiện không còn được sử dụng nhiều trên thế giới.
Bên cạnh đó, theo tính toán, với lưu lượng cấp nước của đường ống số 2 là 300.000 m3/ngày đêm, thì việc lựa chọn ống dẫn nước có đường kính khoảng 1,6m sẽ có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Đồng tình với ý kiến này, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, ống dẫn có đường kính 1,8m là không cần thiết. "Nên chăng thay đổi kịch bản làm 1 đường ống mà nên làm 2 đường ống có đường kính 1,5-1,6m, nếu vỡ ống này thì còn ống kia để thay thế…"
Cũng theo chuyên gia, dự kiến đường ống nước sông Đà số 2 sẽ cần tới khoảng 2.700 đoạn ống. Vì thế, không thể chỉ căn cứ vào chất lượng của một số đoạn ống mẫu do nhà thầu cung cấp, mà việc kiểm soát cần được chủ đầu tư tiến hành trực tiếp tại nhà máy trong suốt quá trình sản xuất.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!