Trên 80% đường ngang hợp pháp những vẫn không đáp ứng được quy chuẩn theo điều lệ đường ngang. Để đảm bảo an toàn, ngành đường sắt cũng đã đưa ra kế hoạch để xử lý tình trạng này. Tuy nhiên, để triển khai thực hiện cũng không đơn giản, vì thế, đường ngang vẫn luôn được xem là nơi tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường sắt.
Trên các tuyến đường sắt hiện có 1.519 đường ngang hợp pháp nhưng theo thống kê có đến trên 80% đường ngang không đạt quy chuẩn, có nghĩa là có độ dốc quá cao, khuất tầm nhìn và phổ biến nhất là không đủ khoảng cách tối thiểu giữa đường sắt và đường bộ theo quy định là 10 mét. Vì thế, khi đóng chắn đón tàu, các phương tiện đường bộ phải dừng đỗ chắn hết lối đi của các phương tiện khác gây lộn xộn và mất an toàn.
Theo kế hoạch, ngành đường sắt sẽ phối hợp với UBND các địa phương lựa chọn và có lộ trình để giảm thiểu các đường ngang có vi phạm về tiêu chuẩn và có các dự án đầu tư để giải quyết triệt để các đường ngang này.
Mặc dù kế hoạch đã được đưa ra nhưng nguồn vốn để triển khai thực hiện đang là một rào cản lớn. Trong dự án đầu tư 7.000 tỷ đồng để cải tạo nâng cấp hạ tầng đường sắt từ nay đến năm 2020 cũng đã có nội dung về cải tạo đường ngang. Tuy nhiên, với những đường ngang không đủ khoảng cách an toàn, giải pháp duy nhất là xây dựng nút giao khác mức. Như vậy, chi phí sẽ rất lớn và khi chờ đợi nguồn vốn đầu tư, nguy cơ mất an toàn vẫn hiện hữu.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!