Bài phát biểu của Thủ tướng "truyền cảm hứng cho lãnh đạo các nước"

Theo Cổng TTĐT Chính phủ-Chủ nhật, ngày 29/09/2013 19:43 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (Ảnh: TTXVN)

 Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên thảo luận chung của Đại Hội đồng LHQ đã nhận được sự đánh giá cao của các đại diện LHQ tại Việt Nam, các nhà ngoại giao quốc tế, các nhà nghiên cứu.

Truyền cảm hứng cho lãnh đạo các nước

Nói về việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ phát biểu tại Đại Hội đồng LHQ khóa 68, theo bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam, bài diễn văn tại Đại hội đồng LHQ của Thủ tướng Việt Nam sẽ “truyền cảm hứng cho các vị lãnh đạo các nước khi chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong việc giảm được một phần ba người nghèo của nước mình trong chưa đầy 10 năm”.

‘ Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam. Ảnh: Dân trí

Bà Pratibha Mehta tâm đắc việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ: “Để thoát nghèo cần có sự nỗ lực tự vươn lên của chính các nước nghèo cùng với sự hỗ trợ của các nước giàu hơn, các nước phát triển hơn. Sự hỗ trợ đó không phải chỉ bằng tấm lòng nhân ái lá lành đùm lá rách mà trước hết cần bằng trách nhiệm, vì trong sự giàu có của nhiều người, sự phát triển của nhiều nước không phải không có thuộc người nghèo, nước nghèo”.

Thủ tướng đã lấy chính Việt Nam là ví dụ điển hình về sự hỗ trợ vô tư đối với nhiều nước trên thế giới trong việc đảm bảo an ninh lương thực. “Chúng tôi cũng không chỉ xuất khẩu mà còn giúp các nước tự sản xuất thêm lúa gạo như đã thực hiện ở Cuba, Mozambique, Angola, Mali, Madagascar, Myanmar...” . Thủ tướng chỉ rõ đây là mô hình hợp tác “đầy ý nghĩa và hiệu quả thiết thực”.

Chính vì thế, Thủ tướng Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế “hãy bằng trách nhiệm và lòng nhân ái, nỗ lực hơn nữa cho một Chương trình nghị sự vì sự phát triển bền vững sau 2015 nhằm bảo vệ hòa bình, thúc đẩy hợp tác, xóa đói nghèo và bảo vệ hành tinh của chúng ta”.

Bà Pratibha Mehta hy vọng bài phát biểu của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đáp ứng được kỳ vọng của lãnh đạo các cơ quan của LHQ tại Việt Nam.

Biểu hiện của lòng cao thượng

Chia sẻ cảm nhận của mình với PV Báo điện tử Chính phủ về bài phát biểu của Thủ tướng, ông David Brown, nhà ngoại giao kỳ cựu người Mỹ nói “bài phát biểu được trình bày đúng thời điểm – phiên thảo luận chung hàng năm của Đại Hội đồng LHQ và đã được dịch rất tốt sang tiếng Anh”.

‘ Ông David Brown. Ảnh: Lao động

Ông David Brown đánh giá cao việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định “Việt Nam đã sẵn sàng đóng góp cho các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, sẵn sàng hỗ trợ các quốc gia đang phát triển bảo đảm an ninh lương thực, và giải quyết những tranh chấp trên Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế” và cho rằng đây là biểu hiện của lòng cao thượng được trình bày một cách hùng hồn.

Tự tin vào con đường đất nước lựa chọn

‘ Ông Lê Đình Tĩnh. Ảnh: VOV

Ông Lê Đình Tĩnh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Ngoại giao nhận thấy bài phát biểu của Thủ tướng có 4 điểm nổi bật:

Thứ nhất, bài phát biểu bám sát trọng tâm của khóa họp Đại Hội đồng LHQ khóa 68 này, đó là các vấn đề liên quan đến an ninh và phát triển toàn cầu, bao gồm cả tầm nhìn sau 2015; phản ánh quan điểm bao quát, đặt Việt Nam trong bối cảnh chung.

Thứ hai, Thủ tướng đã cập nhật tình hình và quan điểm của Việt Nam đối với các diễn biến mới nhất liên quan đến các nội dung trên, như các vấn đề Biển Đông, biển Hoa Đông, Trung Đông, Cuba, Palestine…. cũng như nhiều thách thức an ninh và phát triển đa dạng, phức tạp nổi lên hiện nay.

Thứ ba, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã thể hiện lập trường quan điểm của Việt Nam về nhiều vấn đề hệ trọng liên quan đến thế giới, khu vực và Việt Nam như đã nêu ở trên, nhưng đều nhất quán về lập luận: Các quốc gia cần phải tăng cường xây dựng lòng tin đối với nhau, tôn trọng luật pháp quốc tế, nguyên tắc ứng xử chung, cũng như tôn trọng các đặc thù văn hóa lịch sử và điều kiện phát triển của mỗi một quốc gia. Đây chính là những yếu tố căn bản, mẫu số chung bắt buộc của mọi nỗ lực hướng tới một thế giới hòa bình, thịnh vượng và văn minh.

Thứ tư, bài phát biểu của Thủ tướng cho thấy thái độ tự tin vào con đường mà Việt Nam đã chọn, đó là viễn cảnh về một đất nước hòa bình trong một cộng đồng khu vực và thế giới hòa bình, kinh tế phát triển bền vững và xã hội đạt được công bằng, tiến bộ. Với niềm tin đó, bài phát biểu cũng chỉ rõ, sẽ có thêm cơ sở để thành hiện thực nếu các quốc gia kết hợp hài hòa giữa lợi ích riêng-chung. Việt Nam hoàn thành các Mục tiêu thiên niên kỷ trước thời hạn có ý nghĩa tích cực cho cả Việt Nam và cộng đồng quốc tế, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình cũng là đóng góp vào nền hòa bình chung.

Về ý tứ sâu xa của bài phát biểu của Thủ tướng, ông Lê Đình Tĩnh cho rằng bài phát biểu kêu gọi các quốc gia tôn trọng công lý của sự phát triển, là nền công lý tất yếu nếu thế giới muốn một trật tự kinh tế quốc tế bình đẳng hơn, trong đó mọi quốc gia đều có quyền phát triển, lựa chọn con đường phát triển, mọi quốc gia đều có thể có những đóng góp và nhận được sự ủng hộ đích đáng từ những quốc gia khác, đặc biệt là từ các quốc gia phát triển và các tổ chức quốc tế.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước