Chiều nay (22/11), Quốc hội đã quyết thông qua Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam với tỷ lệ tán thành là 91,51% (442/447 tổng số đại biểu tham gia biểu quyết).
Dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua gồm 8 chương, 52 điều (tăng 2 chương, 12 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7) (xin ý kiến 6 chương, 40 điều), quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Một số vấn đề tiếp tục được xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, bao gồm: Về đối tượng cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ; về các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh; về thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh; quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam bảo đảm tính kết nối, liên thông, tránh trùng lặp; về trách nhiệm quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Kết quả biểu quyết Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam
Trước khi Quốc hội biểu quyết, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Theo Điều 5 của Luật, công dân Việt Nam có các quyền sau đây:
a) Được cấp giấy tờ xuất nhập cảnh theo quy định của Luật này;
b) Người từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền lựa chọn cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc hộ chiếu không gắn chíp điện tử;
c) Được xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của Luật này;
d) Được bảo đảm bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, trừ trường hợp cung cấp thông tin, tài liệu theo quy định của pháp luật;
đ) Yêu cầu cung cấp thông tin về xuất cảnh, nhập cảnh của mình; yêu cầu cập nhật, chỉnh sửa thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, giấy tờ xuất nhập cảnh của mình để bảo đảm đầy đủ, chính xác;
e) Sử dụng hộ chiếu của mình để thực hiện giao dịch hoặc thủ tục khác theo quy định của pháp luật;
g) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện, yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật.
Điều 6 quy định về giấy tờ xuất nhập cảnh như sau:
Giấy tờ xuất nhập cảnh bao gồm:
a) Hộ chiếu ngoại giao;
b) Hộ chiếu công vụ;
c) Hộ chiếu phổ thông;
d) Giấy thông hành.
Hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc không gắn chíp điện tử cấp cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên. Hộ chiếu không gắn chíp điện tử được cấp cho công dân Việt Nam chưa đủ 14 tuổi hoặc cấp theo thủ tục rút gọn.
Thông tin trên giấy tờ xuất nhập cảnh bao gồm: ảnh chân dung; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; ký hiệu, số giấy tờ xuất nhập cảnh; ngày, tháng, năm cấp, cơ quan cấp; ngày, tháng, năm hết hạn; số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân; chức vụ, chức danh đối với hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ phù hợp với yêu cầu đối ngoại.
Thời hạn của giấy tờ xuất nhập cảnh quy định ở Điều 7 như sau:
Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ có thời hạn từ 01 năm đến 05 năm; có thể được gia hạn một lần không quá 03 năm.
Thời hạn của hộ chiếu phổ thông được quy định như sau:
a) Hộ chiếu phổ thông cấp cho người từ đủ 14 tuổi trở lên có thời hạn 10 năm và không được gia hạn;
b) Hộ chiếu phổ thông cấp cho người chưa đủ 14 tuổi có thời hạn 05 năm và không được gia hạn;
c) Hộ chiếu phổ thông cấp theo thủ tục rút gọn có thời hạn không quá 12 tháng và không được gia hạn.
Giấy thông hành có thời hạn không quá 12 tháng và không được gia hạn.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 7 năm 2020. Giấy tờ xuất nhập cảnh đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực có giá trị sử dụng đến hết thời hạn ghi trong giấy tờ xuất nhập cảnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!