40 năm quan hệ Việt Nam – Nhật Bản

Trung Kiên-Thứ bảy, ngày 21/09/2013 19:20 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh

 Hôm nay là tròn 40 năm, ngày Việt Nam và Nhật Bản chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao 21/9/1973 – 21/9/2013. Nhìn lại chặng đường 40 năm qua, quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đã có những bước phát triển vượt bậc dựa trên nền tảng của sự tin cậy và chân thành về chính trị.

Công trình cầu Nhật Tân đang chuẩn bị hợp long, trước đó là cầu Cần Thơ, Bãi Cháy, Thanh Trì và nhiều dự án hạ tầng quy mô lớn khác. Hơn 1600 doanh nghiệp Nhật Bản, trong đó có nhiều Tập đoàn lớn, đã đầu tư và có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Hiện, hầu hết mọi lĩnh vực của Việt Nam từ y tế ở những bản làng vùng sâu vùng xa, đến những lĩnh vực như khảo cổ học, giáo dục và truyền hình rồi cả những lĩnh vực lớn hơn như công nghiệp, giao thông và điện nguyên tử đều hiện diện sự giúp đỡ của Nhật Bản.

Là người đi những bước đầu tiên trong tiến trình đàm phán và là người ký công hàm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước ngày 21/9/1973 tại Paris, ông Võ Văn Sung cho rằng, quá trình hợp tác với Nhật Bản đã đóng góp cho thành công của công cuộc đổi mới ở Việt Nam.

Ông Võ Văn Sung, Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Nhật Bản nói: “Tôi đề xuất là cần coi trọng quan hệ ngoại giao với Nhật Bản. May mắn cho tôi là Tổng bí thư hoàn toàn nhất trí với sự trình bày của tôi về tình hình Nhật Bản, về sự đánh giá của tôi và trên cơ sở đó đã nhiệt tình chấp nhận đề nghị của tôi và trở thành một chủ trương của Đảng ta bởi vì chủ trương của Đảng ta là coi trọng quan hệ với Nhật Bản để Nhật Bản trở thành đối tác lớn của nước ta".

Nhìn lại thành quả 40 năm hợp tác song phương, không thể không nhắc tới những nỗ lực đầu tiên để khai thông những trở ngại giữa hai nước. Bằng tầm nhìn chiến lược của các nhà lãnh đạo 2 phía lúc bấy giờ, Nhật Bản là nước tư bản đầu tiên mà Việt Nam chủ động thiết lập quan hệ. Và nhà lãnh đạo Việt Nam đầu tiên tới Nhật Bản để chắp nối cho mối quan hệ đó vào tháng 9 năm 1989 là nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, lúc bấy giờ là Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải nói: "Người giới chức đầu tiên tôi gặp là ông Watanabe. Có thể nói chuyến đi đầu tiên chưa nói hết tình hình Nhật Bản, nhưng xuất phát từ nhu cầu của phía mình nên chuyến đi đó tôi đặt 3 vấn đề đặt ra với phía Nhật Bản. Một là tìm mọi cách vận động để nối lại ODA cho Việt Nam, tìm hiểu xem họ xử lý nợ thế nào vì đó cũng là mối lo đáng suy nghĩ của các nhà lãnh đạo Việt Nam".

Hai năm sau cuộc gặp này, sau khi ông Watanabe được cử làm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao, ông đã trực tiếp chỉ đạo khôi phục viện trợ ODA cho Việt Nam. Kể từ năm 1992 đến nay, Nhật Bản luôn là nước viện trợ ODA nhiều nhất cho Việt Nam và là đối tác thương mại lớn thứ 3. Nếu hơn 400 năm trước, các nhà buôn Nhật Bản lần đầu mặt tại cửa biển Hội An thì đến nay, Việt Nam và Nhật Bản đã trở thành đối tác chiến lược.

GS. Furuta Motoo, Chủ tịch Hội hữu nghị Nhật – Việt, Học giả nghiên cứu về Việt Nam nói: “Bây giờ các nhà lãnh đạo 2 nước chúng ta khẳng định, mối quan hệ chúng ta là đối tác chiến lược và ngài đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam hiện nay nói rằng là mối quan hệ 2 nước là đồng minh tự nhiên và đối với người Nhật Bản, nhất là các nhà khoa học xã hội và nhân văn nói rằng Việt Nam có sức hấp dẫn đặc biệt do lịch sử tạo nên”.

Ông Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết: “Quan hệ giữa hai nước chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa bởi Việt Nam và Nhật Bản có sự tin cậy về chính trị, thực sự coi nhau là cơ hội phát triển của mình và có những thế mạnh có thể bổ sung cho nhau để cùng phát triển”.

40 năm chỉ là một phần nhỏ của lịch sử trên 400 năm của mối quan hệ, giao lưu Việt – Nhật, nhưng 4 thập kỷ qua bằng sự tin cậy về chính trị chân thành, chia sẻ và cảm thông giữa nhân dân hai nước đã đưa quan hệ Việt Nam – Nhật Bản tiến được những bước dài. Với nền tảng này, quan hệ Việt Nam – Nhật Bản sẽ còn tiến được những bước xa hơn nữa.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước