2 người Việt Nam đăng ký hiến phổi cho BN91 mắc COVID-19 đang nguy kịch

PV-Thứ tư, ngày 13/05/2020 18:42 GMT+7

Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đặt ECMO thay thế hoàn toàn hệ thống tim phổi cho BN91 (Ảnh: Sức khỏe đời sống)

VTV.vn - Một phụ nữ ngoài 40 tuổi và một cựu chiến binh ngoài 70 tuổi đã bày tỏ mong muốn được hiến tặng một phần lá phổi cho nam phi công người Anh mắc COVID-19.

Theo thông tin từ Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, đã có 2 trường hợp người Việt Nam đăng ký hiến phổi cho nam phi công người Anh mắc COVID-19 đang điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh vẫn đang nguy kịch.

Trong đó, một phụ nữ ngoài 40 tuổi đang khỏe mạnh, có một gia đình hạnh phúc và mong muốn “để tình thương lan tỏa tình thương”.

"Anh ơi, anh cho em hỏi nhờ ạ. Nếu đăng ký hiến tạng sống, hiến tặng phổi thì sẽ lấy như thế nào ạ? Hay phải chờ bệnh nhân chết não để lấy hết phổi ạ? Nếu cũng như thận, chỉ lấy một phần phổi thì em xin phép đăng ký hiến tặng nhé!"- người phụ nữ ấy gửi tin nhắn xúc động tới cán bộ Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.

Theo chị cuộc sống vô thường, hơn 40 năm qua chị đã nhận được rất nhiều yêu thương, giúp đỡ và may mắn...

"Thôi thì cứ để tình thương lan tỏa tình thương, mang yêu thương chia sẻ và giúp đỡ lại những người khác. Đảng, Nhà nước và Chính phủ đang làm rất tốt việc phòng chống dịch COVID-19, nước ta chưa có một trường hợp tử vong nào"- người phụ nữ chia sẻ.

Trường hợp khác là cựu chiến binh ở Đắk Nông. Ông vẫn đau đáu, hai lần liên lạc tới Trung tâm để sẵn sàng hiến một phần lá phổi của mình vì tưởng bệnh nhân đã được chuyển tới bệnh viện khác để ghép. Ông sẵn sàng hiến tặng phổi của mình dù không có biết có đủ điều kiện, đủ tuổi không.

Qua hội chữ thập đỏ, ông tìm được số điện thoại liên hệ với Trung tâm bày tỏ nguyện vọng đó của mình.

"Tôi tự hào về nền y tế của Việt Nam, Chính phủ đã rất nỗ lực trong thời gian qua, trên tinh thần làm tất cả vì bệnh nhân, để không bỏ lại người nào phía sau. Số trường hợp tử vong trên thế giới nhiều như thế trong khi nước ta chưa có ai"- cựu chiến binh đã ngoài 70 tuổi xúc động chia sẻ.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm điều phối Quốc gia về hiến ghép mô và bộ phận cơ thể người cho biết những chia sẻ thiện tâm, những nghĩa cử ấy thực sự là nguồn động viên, khích lệ ngành y tế rất nhiều trong việc tận cùng cứu chữa những bệnh nhân hiểm nghèo, bất kể người ấy là ai.

Theo ông Hoàng Phúc, vấn đề có ghép phổi cho bệnh nhân hay không, ghép như thế nào… là do hội đồng chuyên môn đánh giá. Tuy nhiên ưu tiên số một vẫn là tìm người chết não hiến tạng, nếu bệnh nhân có chỉ định ghép phổi.

Trước đó, vào chiều 12/5, Hội đồng chuyên môn đã hội chẩn 3 miền Bắc - Trung - Nam để đánh giá tình hình sức khỏe và khả năng ghép phổi cho bệnh nhân này. Tại cuộc hội chẩn, Hội đồng chuyên môn cho hay phổi của bệnh nhân đã tổn thương rất nặng, khả năng hồi phục kém, được chỉ định ghép phổi. Nhưng theo các chuyên gia, nếu ghép phổi sẽ phải giải quyết hai vấn đề cho bệnh nhân là điều trị nhiễm khuẩn và phổi được tặng phải có các yếu tố hòa hợp với bệnh nhân.

Hiện bệnh nhân đã sang ngày thứ 56 điều trị, 37 ngày được can thiệp ECMO, thở máy qua mở nội khí quản ngày thứ 18. Bệnh nhân đang tiếp tục phải thở máy, lọc máu, phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO.

Việt Nam tròn 27 ngày không có ca mắc mới COVID-19, BN91 vẫn đang nguy kịch Việt Nam tròn 27 ngày không có ca mắc mới COVID-19, BN91 vẫn đang nguy kịch

VTV.vn - Tính từ 6h ngày 16/4 đến 18h ngày 13/5, Việt Nam tròn ngày thứ 27 bảo vệ được thành quả bước đầu trong chống dịch COVID-19 là không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước