Khai mạc Hội nghị thượng đỉnh G7: Nhiều kỳ vọng giải quyết các vấn đề nóng

Đức Cường (Phóng viên VTV thường trú tại Nhật Bản)-Thứ năm, ngày 26/05/2016 10:43 GMT+7

Lãnh đạo các nước G7 (Ảnh: Reuter)

VTV.vn - Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển G7 đã khai mạc vào sáng ngày 26/5 tại bán đảo Ise Shima, miền Trung Nhật Bản.

Các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị gồm Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Italy Matteo Renzi, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, cùng Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker.

Đây là hội nghị thượng đỉnh G7 đầu tiên được tổ chức tại châu Á trong vòng tám năm qua. Sự kiện thu hút chú ý đặc biệt dư luận quốc tế, bởi nhiều kỳ vọng, tại Hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới sẽ đưa ra các giải pháp hiệu quả giúp giải quyết hàng loạt thách thức toàn cầu hiện nay.

Trong phiên thảo luận kết hợp ăn trưa (trong sáng ngày 26/5 theo giờ Việt Nam), các nhà lãnh đạo G7 đã trao đổi về các vấn đề kinh tế toàn cầu cầu, sự thống nhất và giá trị của G7.


Phiên thảo luận của các lãnh đạo G7 (Ảnh: Reuter)

Phiên thảo luận của các lãnh đạo G7 (Ảnh: Reuter)

Đây là sự kết hợp chủ đề nhiều ý nghĩa khi phía Nhật Bản cho rằng các nước G7 cần thống nhất tung ra các chính sách tài chính và tiền tệ để chặn đứng xu thế trì trệ của kinh tế tòan cầu. Nhật Bản hy vọng tại hội nghị này, các bên sẽ đồng ý đưa ra các kế họach hỗ trợ kinh tế mạnh mẽ.

Ngay sau phiên thảo luận trưa, các nhà lãnh đạo G7 sẽ tiếp tục trao đổi về thương mại, chính sách đối ngọai.

Theo dự kiến, trong các phiên thảo luận các nhà lãnh đạo G7 sẽ trao đổi về các vấn đề quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều quốc gia thành viên, trong đó có việc sớm thông qua Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương TPP, an ninh hàng hải, chống chủ nghĩa khủng bố.

Trong ngày hội nghị thứ hai, các nhà lãnh đạo của bảy quốc gia gồm Indonesia, Việt Nam, Bangladesh, Papua New Guinea, Lào, Sri Lanka, Chad, cùng các lãnh đạo các thể chế toàn cầu gồm Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB), Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB)... sẽ tham dự hội nghị G7 mở rộng.

Dự kiến, vấn đề an ninh hàng hải sẽ là chủ đề thảo luận quan trọng tại hội nghị G7 mở rộng với chủ đề Ổn định và Thịnh vượng châu Á.

Hội nghị G7 mở rộng sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi “quy định của pháp luật,” ban hành các nguyên tắc dựa trên luật pháp quốc tế và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình.

Trong khi đó, các vấn đề liên quan đến phát triển sẽ là trọng tâm thảo luận tại Hội nghị G7 mở rộng với chủ đề Phát triển, châu Phi. Đây là một trong những mục tiêu đối ngoại của Chính phủ Nhật Bản, liên quan đến Hội nghị quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi tổ chức tại Kenya vào tháng 8/2016.

Theo kế hoạch, Hội nghị thượng đỉnh G7 sẽ ra Tuyên bố lãnh đạo và 6 tuyên bố khác trong phiên bế mạc.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước