Nhìn từ hậu quả khi xảy ra hỏa hoạn
Ở mỗi cơ quan, đơn vị, công tác phòng cháy chữa, chữa cháy luôn là nhiệm vụ được coi trọng. Đối với Đài THVN, công tác này cũng luôn được quan tâm và đặt lên hàng đầu.
Theo ông Lê Chí Công, Phó Chánh Văn phòng, Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy PCCC của Đài THVN, trong những năm qua, Lãnh đạo Đài đặc biệt quan tâm đến công tác phòng cháy chữa cháy. Bởi vì, nếu xảy ra sự cố hỏa hoạn sẽ ảnh hưởng đến làn sóng quốc gia, trực tiếp đến an toàn sóng, thiệt hại vô cùng lớn đến tài sản của cơ quan và rất lâu mới khôi phục lại được.
Vào buổi sáng của lớp tập huấn, các thành viên thuộc các Đội PCCC cơ sở đã được nghe đồng chí Đinh Văn Nhiệm, tuyên truyền viên của Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội hướng dẫn về các nguyên tắc phòng ngừa, bài học rút ra từ các vụ cháy lớn…
Vụ cháy tại Trung tâm Thương mại Quốc tế TP.HCM năm 2002 làm 54 người thiệt mạng, vụ cháy Trung tâm Thương mại Hải Dương với ước tính thiệt hại 500 tỷ đồng và gần đây nhất là vụ cháy bar Zone 9 ở Hà Nội đã cho thấy sự tổn thật nặng nề về người và của do hỏa hoạn gây ra. Phần lớn nguyên nhân là do công tác phòng cháy chữa cháy chưa được coi trọng, những kiến thức cơ bản về cách thoát ra khỏi đám cháy của con người hầu như không có.
Đồng chí Đinh Văn Nhiệm khẳng định: “Nếu có trang bị những kiến thức cơ bản về phòng cháy, chữa cháy, sự bình tĩnh khi có hỏa hoạn xảy ra thì thiệt hại sẽ giảm đi rất nhiều. Cho nên hiểu và biết cách phòng cháy, chữa cháy là vô cùng quan trọng”.
Anh Vũ Đình Khang, Trung tâm Sản xuất các chương trình thể thao, một học viên của lớp tập huấn cho biết: “Được thầy giảng giải và lấy nhiều ví dụ, đưa ra được những nguyên nhân và bài học của các vụ cháy, điều đó rất hữu ích cho những người làm việc ở VTV”.
Giữ được tâm lý bình tĩnh khi phòng cháy, chữa cháy
Cách phân biệt bình bột và bình khí, cách cầm bình, mở chốt và tiếp cận nguồn cháy là những nội dung chính trong buổi thực hành của lớp tập huấn vào buổi chiều. Từ kinh nghiệm được chia sẻ, các học viên đã trực tiếp tham gia vào công tác chữa cháy tại hiện trường.
Là người hướng dẫn lớp tập huấn về cách thực hành phòng cháy, chữa cháy vào buổi chiều, đồng chí Phạm Văn Huynh, giảng viên Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy cho rằng, một điều quan trọng đối với người tham gia chữa cháy đó là phải giữ được tâm lý bình tĩnh, có như thế, các thao tác sử dụng bình, tiếp cận nguồn cháy mới được tiến hành thuần thục, đảm bảo nhanh chóng và an toàn.
“Lần đầu tiên cầm bình khí, tinh thần không biết bay đi đâu mất và thấy lúng túng khi bố trí khoảng cách để xịt bình vào đám cháy. Trước khi chưa tham gia tập huấn, nghĩ nó đơn giản nhưng qua buổi hôm nay, mới biết rằng, phòng cháy, chữa cháy cần có kinh nghiệm. Và chắc chắn rằng, qua buổi tập huấn, tôi sẽ về truyền đạt lại những kiến thức này cho gia đình và đồng nghiệp”, anh Trần Minh Phú, Ban Văn nghệ chia sẻ.
Cùng chung ý kiến với anh Phú, anh Vũ Thành Trung của Trung tâm KTSXCT cho biết, cách cầm bình, khoảng cách tiếp cận đám cháy là quan trọng. Anh cho biết thêm, khi gặp sự cố cháy phải hết sức bình tĩnh, gọi ngay 114 và sử dụng các phương pháp thông thường để phòng cháy chữa cháy.
Qua một ngày học tập lý thuyết và thực hành, lớp tập huấn nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy năm 2013 của Đài THVN đã cung cấp nhiều thông tin bổ ích, giúp nâng cao được nhận thức, hướng dẫn kỹ năng cho học viên là thành viên các Đội PCCC cơ sở về nhiệm vụ đảm bảo an toàn cơ quan khi có hỏa hoạn xảy ra.
Đồng chí Phạm Văn Huynh đánh giá cao về ý thức tham gia của các học viên, kiến thức về PCCC khá tốt với kỹ năng làm tương đối thành thục. Tuy nhiên, đồng chí cũng lưu ý một số mặt hạn chế như ý thức chủ quan, chưa coi trọng vì nghĩ đó chỉ là một buổi tập huấn của một số học viên, còn lúng túng trong cách sử dụng bình chữa cháy, tiếp cận nguồn cháy.
Một số hình ảnh tại ngày tập huấn: