Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 66/2006/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn. (Ảnh: Anh Dũng/VTV8)
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng về việc rà soát, sửa đổi, bổ sung Nghị định mới, thay thế Nghị định 66/2006/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn, sáng 29/9, tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, Văn phòng Chính phủ, Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, phối hợp với Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 66/2006/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn.
Tại hội thảo, ngoài những ý kiến góp ý về mặt quy phạm của pháp luật, từ ngữ cho chính xác khi ban hành Nghị định mới thay thế cho Nghị định 66 cũ, nhiều ý kiến của các chuyên gia về ngành nông nghiệp, nông thôn và làng nghề cho rằng: cần phải xác định rõ làng nghề và làng nghề truyền thống. Mặt khác, hiện làng nghề là nơi giải quyết, tạo công ăn việc làm cho lao động tốt. Nghị định không nên quy định bắt buộc làng nghề phải đào tạo nghề, mà phải coi làng nghề là nơi truyền nghề; còn đào tạo nghề thuộc cơ quan có thẩm quyền về dạy nghề.
Làng nghề là nơi giải quyết, tạo công ăn việc làm cho lao động tốt tại các vùng nông thôn
Đặc biệt, hiện làng nghề chưa có tính pháp nhân, do đó việc tồn tại, phát triển làng nghề hiện đang gặp khó khăn khi vay vốn và hợp tác buôn bán sản phẩm. Nghị định mới cần có những quy định phù hợp hơn với các vấn đề đảm bảo môi trường của làng nghề nông thôn.
Dự kiến tổng kinh phí thực hiện các chính sách quy định tại dự thảo Nghị định giai đoạn 2017 đến 2020 là 1.500 tỷ đồng, trong đó, nguồn ngân sách địa phương là 500 tỷ đồng.