Cộng đồng người Tày ở tỉnh Đồng Nai có trên 16.000 người, thường sinh sống ở những vùng đồi núi ven sông suối. Từ ngoài vùng núi phía Bắc Việt Nam khi di cư vào vào phía Nam, họ vẫn duy trì những nét đẹp văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc mình.
Ngôn ngữ Tày vẫn được sử dụng rộng rãi trong giao tiếp hàng ngày, đặc biệt là giữa những người lớn tuổi. Tuy nhiên để thích nghi với môi trường mới, họ cũng sử dụng thành thạo tiếng Việt. Trang phục truyền thống của người Tày với màu chủ đạo là đen, xanh, không trang trí thêu thùa sặc sỡ như những dân tộc khác. Phụ nữ Tày thường mặc áo choàng có vài hoa văn tinh tế ở cổ áo.
Khi di cư vào vùng đất Đồng Nai, do điều kiện kinh tế và môi trường sống thay đổi nên ngôi nhà của người Tày cũng biến đổi không theo kiểu nhà sàn truyền thống. Người Tày xây dựng có khu chuồng trại và chăn nuôi gia súc tách biệt phía sau nhà ở. Mặc dù có nhiều thay đổi để thay đổi với môi trường và khí hậu mới nhưng nhiều gia đình vẫn mong muốn lưu giữ văn hoá truyền thống. Họ chỉ muốn bỏ những hủ tục lạc hậu, còn những nét đẹp văn hoá thì già làng, người lớn tuổi vẫn muốn lưu giữ, bảo tồn và phát huy.
Ẩm thực của người Tày rất phong phú và thường xuyên sử dụng nguyên liệu từ núi rừng để làm món ăn như xôi ngũ sắc ăn với thịt xá xíu, vịt nướng lá mắc mật, rau bò khai xào lòng gà, măng rừng xào lòng vịt...
Loại hình nghệ thuật hát then, đàn tính truyền thống vẫn được người Tày ở Đồng Nai tập luyện và duy trì qua nhiều thế hệ. Qua những làn điệu dân ca dịu dàng, du dương, vẻ đẹp của đất nước, quê hương được hiện lên rõ nét. Để có thể thưởng thức các làn điệu hát then, đàn tính do người dân biểu diễn thì du khách nên ghé thăm vào thời điểm Lễ hội Lồng Tồng, hay còn gọi là Ngày hội xuống đồng, vào ngày mùng 8 tháng Giêng hàng năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!