Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 có chủ đề Giao lộ sáng tạo. Đây là lần thứ 4 lễ hội được tổ chức. Năm nay, Lễ hội sẽ hình thành một tuyến lễ hội dọc theo 7 công trình di sản lịch sử của Hà Nội với hàng trăm hoạt động sáng tạo trên các lĩnh vực như kiến trúc, thiết kế, mỹ thuật, trình diễn, điện ảnh và quảng cáo. Nhiều không gian trải nghiệm khác biệt giúp cộng đồng thêm trân trọng lịch sử. Người dân Thủ đô, du khách quốc tế đã được sống trong không khí của một "bữa tiệc sáng tạo" độc đáo, thú vị.
Nằm trong khuôn khổ Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, Triển lãm Cực quang tại vườn hoa Quảng trường Cách Mạng tháng Tám, phản ánh sự kết nối giữa con người và vũ trụ, mang đến cho công chúng yêu nghệ thuật một hành trình khám phá vẻ đẹp huyền ảo của thiên nhiên. Sử dụng các chất liệu đa dạng từ nhiều vùng miền, những dải màu đa sắc hòa quyện tạo nên một không gian sống động.
Trong khi đó, Bảo tàng Lịch sử quốc gia là một trong 7 di sản trong trục Giao lộ sáng tạo của Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024. Tại đây, những kiến trúc sư đã thiết kế Pavilion "Rồng rắn lên mây" như một cuộc đối thoại giữa những yếu tố đương đại với vẻ cổ kính của khuôn viên công trình. Một tổ hợp thiết kế lấy cảm hứng từ trò Rồng rắn lên mây của trẻ con, tận dụng chất liệu Inox gương của Lễ hội thiết kế sáng tạo năm ngoái, đồng thời mang đến các yếu tố mới, các mô hình với chất liệu khác nhau: gốm, sứ, in 3D…, thể hiện đúng tinh thần của Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội.
Tọa đàm Sử dụng chất liệu dân gian trong sáng tạo tại Hội trường của Bảo tàng là nơi các nhà thiết kế trẻ, những người yêu nghệ thuật giao lưu, học hỏi kinh nghiệm. Đây là một trong các hoạt động chuyên môn tiêu biểu của Lễ hội thiết kế sáng tạo năm nay. Trong suốt thời gian diễn ra Lễ hội, công chúng cũng sẽ được thưởng thức các hoạt động trình diễn nghệ thuật: thời trang, âm nhạc, các vở kịch, chiếu phim… Rất nhiều sự kiện sáng tạo nghệ thuật hứa hẹn mang đến cho người dân thủ đô những trải nghiệm hấp dẫn.
Tại các công trình biểu tượng của Hà Nội được sắp đặt mô hình không gian hoạt động triển lãm - trưng bày, biểu diễn nghệ thuật, trải nghiệm, các tọa đàm hội thảo quốc tế và trong nước thuộc lĩnh vực sáng tạo…tạo nên sự cộng hưởng và nguồn cảm hứng thu hút đông đảo giới văn nghệ sĩ, những nhà thiết kế sáng tạo trẻ tham gia. Theo đó, bức họa khổng lồ tại giảng đường Đại học Tổng hợp được vẽ theo phong cách bích họa châu Âu nhưng nội dung tác phẩm lại hoàn toàn mang chất Việt. Đại học tổng hợp - công trình được truyền cảm hứng từ vẻ đẹp của thánh đường tri thức đã trở thành không gian sáng tạo của 18 nghệ sĩ mang tên "Cảm thức Đông Dương". 22 tác phẩm trưng bày và sắp đặt ánh sáng với phong cách nghệ thuật đặc biệt, đề cao các giá trị văn hoá. Các ý tưởng dựa trên nền tảng từ lịch sử, phong cách Đông dương, tạo xu hướng phổ biến trong mỹ thuật, kiến trúc.. Di sản này tạo thành một điểm nhấn đầy rung cảm về kiến trúc, nghệ thuật, hình ảnh và âm thanh tại tuần lễ thiết kế sáng tạo năm nay.
Các công trình kiến trúc biểu tượng tạo ra cuộc đối thoại giữa công trình biểu tượng với di sản, kết nối giữa truyền thống và hiện tại. 500 kiến trúc sư, nghệ sĩ, chuyên gia, các nhóm sáng tạo, các nhà tổ chức, các nhà quản lý, các cơ quan, doanh nghiệp, hay đơn giản là những người yêu hoạt động sáng tạo đã tham gia vào lễ hội. Tất cả đều mang nhiệt tâm sáng tạo nhằm thúc đẩy công nghiệp văn hóa của Hà Nội. Trong đó, không ít những nhà sáng tạo trẻ tuổi mang đến những thể nghiệm mới, phóng khoáng, mới mẻ để phục vụ cộng đồng, vì cộng đồng. Cùng thời điểm này, tại 30 quận, huyện, thị xã của thành phố cũng có các hoạt động hưởng ứng lễ hội, kết nối sự sáng tạo và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa.
“Chúng ta chấp nhận sự khác biệt, tôn trọng ý tưởng sáng tạo mới để tạo ra nguồn lực sáng tạo phong phú, kết nối các thế hệ người già, người trẻ, các hình thức sáng tạo khác nhau, nhằm cùng chung vào sự sáng tạo chung của thành phố”, bà Bùi Thị Thanh Hương - Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Kiến trúc, BTC Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 cho biết.
Sự giao thoa hội tụ của 12 ngành công nghiệp văn hoá, với hơn 100 hoạt động chính khẳng định tiềm năng công nghiệp sáng tạo của Hà Nội. Kể từ khi trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, Hà Nội đã nỗ lực triển khai các sáng kiến, giải pháp phát huy tiềm năng sáng tạo thành nguồn lực phát triển, thực hiện hiệu quả các cam kết với UNESCO. Việc tổ chức thường niên lễ hội thiết kế sáng tạo thúc đẩy quá trình phát triển mạng lưới Nhà thiết kế sáng tạo trẻ, hỗ trợ các không gian sáng tạo và ra mắt Trung tâm điều phối hoạt động sáng tạo thời gian tới.
“UNESCO và Hà Nội đã hợp tác chặt chẽ với nhau để thúc đẩy chương trình thành phố sáng tạo Hà Nội và Lễ hội thiết kế sáng tạo là một trong nhiều sáng kiến đa dạng mà thành phố đã cam kết thực hiện với tư cách là Thành phố sáng tạo về thiết kế của UNESCO, đồng thời là một ví dụ điển hình về cách Hà Nội đang đạt được tiến bộ chưa từng có trong việc hiện thực hóa tầm nhìn trở thành Thủ đô sáng tạo của Việt Nam và là trung tâm sáng tạo trong khu vực", ông Jonathan Baker - Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam chia sẻ.
Văn hóa đang trở thành trung tâm trong chính sách phát triển của Hà Nội. Công nghiệp văn hóa cũng được xác định là mũi nhọn trong chiến lược của thủ đô. Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội đang tạo ra chất xúc tác mạnh mẽ để ngành công nghiệp sáng tạo cất cánh, là dấu ấn của một thành phố năng động, trẻ trung, với điểm tựa vững chắc là những giá trị văn hóa lịch sử ngàn năm văn hiến.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!