Chuyển về căn hộ mới khi vẫn còn nợ tiền gia đình bạn bè, cũng chẳng còn tiền để mua sắm đồ đạc, nhưng chị Thảo vẫn cảm thấy yên tâm khi lựa chọn một căn hộ xây xong.
Chị Nguyễn Thị Thu Thảo, người mua nhà cho biết: “Tôi là người tiêu dùng nên tôi lựa chọn mua căn hộ phải hoàn thiện xong để ổn định. Có nhiều người bỏ tiền vào các dự án nhà ở nhưng dự án đó chưa hoàn thiện có thể ngừng triển khai bất cứ lúc nào”.
‘ Ảnh minh họa
Đại diện chủ đầu tư một dự án tại quận Tân Bình Phú cho biết, lo ngại về những dự án dừng triển khai đã khiến người mua nhà chỉ quyết định mua khi dự án đã có nhà ở ngay. Bởi vậy, chỉ còn cách duy nhất là phải tìm mọi nguồn lực để hoàn thành.
Vị đại diện này chia sẻ, việc tìm vốn triển khai dự án đã khó trong khi đó còn phải có vốn để hoàn thiện khu vực thương mại và nhà hàng nên gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù tiền thu về từ việc cho thuê mặt bằng không đủ để trả lãi vay, nhưng ít ra còn cho doanh nghiệp cơ hội để người mua nhà an tâm về dự án và để doanh nghiệp giải phóng hàng tồn kho cho mình .
Một số dự án khác đang xây dựng dở dang, sắp hoàn thiện nhưng rơi vào cảnh hết tiền cũng đang tìm mọi cách có vốn để triển khai tiếp. Nhiều dự án chấp nhận chỉ cần khách hàng nộp 30-40% giá trị căn hộ, số còn lại sẽ được cho nợ đến khi nhận nhà, thậm chí khách hàng còn được nợ 2 năm không phải trả lãi.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng: “Trước khi chờ cứu, các doanh nghiệp phải tự cứu mình. Thậm chí có doanh nghiệp bán hòa vốn hay phải bán dưới giá để giải quyết bài toán thanh khoản cho doanh nghiệp”.
Giới doanh nghiệp bất động sản TP.HCM cho biết, hiện cuộc cạnh tranh khách hàng để giải phóng hàng tồn kho đang diễn ra khá quyết liệt, nhất là khi những thông tin về gói 30.000 tỷ đã khẳng định, các doanh nghiệp nhà ở thương mại phải đứng ngoài cuộc và không có bất cứ cơ hội nào, bởi vậy các doanh nghiệp địa ốc chỉ còn cách duy nhất là phải tìm ra cách tự cứu mình.