Thập niên 1970, hàng loạt trạm xăng tại Hàn Quốc được mở ra, người Hàn Quốc mua ô tô ngày một nhiều. Muốn ngăn chặn việc trạm xăng được mở ra, Chính phủ siết chặt việc cấp phép mở trạm xăng. Kết quả, giá xăng tại Hàn Quốc tăng chóng mặt.
Để đảo ngược tình thế, năm 1997, Chính phủ nới lỏng cấp phép mở trạm xăng và hủy quy định về khoảng cách tối thiểu giữa hai trạm xăng. Ngoài ra, Chính phủ còn tự do hóa cơ chế giá xăng để khuyến khích cạnh tranh trên thị trường. Ngoài các cây xăng của Chính phủ, tư nhân cũng được phép mở cây xăng khiến sự cạnh tranh trên thị trường lên cao gay gắt.
‘ Ảnh: VTV News
Hiện nay, Hàn Quốc có 13.000 trạm xăng, cao hơn rất nhiều nhu cầu (chỉ khoảng 9.000 trạm). Cạnh tranh càng nhiều, lợi nhuận trạm xăng càng thấp, nhiều cây xăng thua lỗ nặng mà không thể đóng cửa vì chi phí để đóng cửa quá cao gần 45.000 USD.
Chủ một cây xăng cho biết: “Hiện nay nhiều trạm xăng tại Hàn Quốc thua lỗ triền miên. Họ không muốn tiếp tục kinh doanh nhưng không thể ngừng hoạt động. Thế tiến thoái lưỡng nan hiện nay hết sức tồi tệ”.
Những cây xăng trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan” này không chỉ gây ra nhiều vấn đề môi trường mà còn dẫn đến việc nhiều cây xăng bán “chui” loại xăng kém chất lượng.
Chính phủ Hàn Quốc tính đến việc hỗ trợ cho những cây xăng không thể duy trì hoạt động nhưng điều này đang gây ra nhiều tranh cãi. Ông Kim Moon-Sik, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Hàn Quốc hy vọng xã hội sẽ có thêm nhiều nguồn tiền hỗ trợ cho các cây xăng.
Ông Kim Moon-Sik cho biết: “Chính phủ đưa ra nhiều chính sách để hạn chế giá dầu tăng. Tuy nhiên, cạnh tranh trên thị trường tăng cao, cung vượt cầu khiến nhiều cây xăng lâm vào tình trạng phá sản. Chính phủ cần chú ý nhiều hơn đến vấn đề này, cần có những biện pháp hỗ trợ cho hoạt động của các trạm xăng”.