Theo một chủ cửa hàng bán
sữa, bắt đầu từ giữa tháng 2, trong 61 sản phẩm sữa cho trẻ dưới 6 tuổi tại cửa hàng, thì chỉ có duy nhất 2 sản phẩm của Meiji là không tăng giá. Nghĩa là 97% các nhãn sữa loại này đều tăng, mức tăng dao động từ 10-17%. Nhưng điều đáng nói là các hãng sữa không hề có một thông báo tăng giá bằng văn bản nào gửi các cửa hàng.
Theo Cục Quản lý giá, việc thiếu văn bản thông báo cho đại lý khi tăng giá là vi phạm các quy định hiện hành. Ngoài ra, dù đại đa số các hãng sữa đều tăng giá, nhưng theo Cục Quản lý giá, hiện mới chỉ có 4 hãng sữa đã kê khai điều chỉnh giá là Vinamilk,
Nestle, Mead Johnson, Frieslandcampina Việt Nam.
"Ngoài ba doanh nghiệp kê khai giá với Bộ Tài chính và một doanh nghiệp là CTCP sữa Việt Nam kê khai giá với Sở Tài chính TP.HCM thì chúng tôi khẳng định là các doanh nghiệp chưa kê khai với cơ quan quản lý về giá thì chưa được phép điều chỉnh giá. Nếu có điều chỉnh giá là vi phạm pháp luật về giá” - Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết.
Giải trình với Cục Quản lý giá, nguyên nhân các hãng sữa đưa ra cho đợt điều chỉnh giá lần này chủ yếu là do tăng chi phí nguyên vật liệu đầu vào, tăng giá nhập khẩu các sản phẩm.
Ông Tuấn cũng cho biết, Cục Quản lý giá đang tiến hành thẩm định xem mức tăng giá của các hãng sữa có phù hợp hay không. Riêng với hãng sữa Nestle Việt Nan, với mức tăng giá 7-8% đã điều chỉnh từ cuối tháng 1, Cục Quản lý giá đang yêu cầu phải giải trình thêm vì các giải trình tăng giá chưa hợp lý.
Video sau đây là ghi nhận của phóng viên về việc tăng giá sữa trên thị trường: