Giá cả đầu vào tăng, siêu thị gồng mình kìm giá

Đào Huyền-Thứ tư, ngày 23/03/2022 15:40 GMT+7

VTV.vn - Giá cả đầu vào của nhiều nhóm hàng hóa đã tăng lên từ 5-10% khiến các nhà bán lẻ phải gồng mình kìm giá.

Từ sau Tết Nguyên đán 2022 đến nay giá xăng dầu và nhiên liệu liên tục tăng giá đẩy các mặt hàng tiêu dùng tăng giá theo. Nhiều siêu thị tại TP Hồ Chí Minhcho biết đến thời điểm hiện tại họ chưa áp dụng tăng giá hàng hóa, tuy nhiên, giá cả đầu vào của nhiều nhóm hàng hóa đã tăng lên từ 5-10% khiến các nhà bán lẻ phải gồng mình kìm giá.

Ông Bùi Trung Chính – Giám đốc Khối Thu mua ngành hàng Thực phẩm, AEON Việt Nam cho biết doanh nghiệp này đã nhận được đề xuất tăng giá từ một số nhà cung cấp trong thời gian qua. Cụ thể đối với các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô (gạo, mì, dầu ăn, ..), khoảng 5% nhà cung cấp đề nghị tăng giá với mức tăng trung bình từ 5-10%

"Chúng tôi vẫn đang tiếp tục nỗ lực đàm phán với nhà cung cấp để giữ nguyên mức giá tốt nhất cho người tiêu dùng, đồng thời chấp nhận giảm biên độ lợi nhuận để đồng hành cùng khách hàng", ông Bùi Trung Chính nói.

Riêng đối với các mặt hàng tươi sống và đông lạnh, đề xuất tăng giá đa phần cho các mặt hàng nhập khẩu do ảnh hưởng của sự thiếu hụt nhân công toàn thế giới, chi phí vận chuyển qua đường hàng không và đường biển cũng tăng cao tác động đến giá cả hàng hóa trong dài hạn. AEON Việt Nam cho biết tiếp tục tìm kiếm thêm các sản phẩm hàng nội địa với mức giá cả hợp lý có thể thay thế cho các mặt hàng này.

Giá cả đầu vào tăng, siêu thị gồng mình kìm giá - Ảnh 1.

Giá cả đầu vào một số nhóm hàng trong siêu thị đã tăng 5-10%

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Sài Gòn Co.op phân tích với biến động của thị trường thế giới, chắc chắn Việt Nam có ảnh hưởng về giá cả, nguồn cung trong nước. Việc tăng giá là điều các doanh nghiệp bán lẻ dự trù từ trước.

"Chúng tôi đã có làm việc và cam kết với các đối tác và bạn hàng để duy trì số lượng, giá cả ổn định trong thời gian tới, do đó chúng tôi chưa có hành động tăng giá ngay lập tức. Chúng tôi đang gồng gánh và nỗ lực duy trì giá cả trong bối cảnh hiện nay", ông Nguyễn Anh Đức cho hay.

Trong 2 tháng đầu năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2022 tăng 1% so với tháng trước; tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước. Những nguyên nhân làm chỉ số giá tiêu dùng tăng đến từ giá xăng dầu, giá gas trong nước tăng và tác động của thị trường thế giới. Nhận định những yếu tố này còn tiếp tục ảnh hưởng trong thời gian tới, một số nhà bán lẻ cho biết sẽ điều chỉnh chiến lược để đảm bảo được doanh số bán hàng và người tiêu dùng được chia sẻ trong bối cảnh giá cả leo thang. 

"Chúng tôi đang chuẩn bị cho chương trình bình ổn giá, một cách rất khác biệt trong năm 2022. Năm nay tỷ lệ lạm phát sẽ ở mức cao hơn những năm trước và ảnh hưởng đến mặt hàng tiêu dùng, do đó công tác bình ổn giá, duy trì sự ổn định tiêu dùng sẽ được triển khai mới hơn", ông Nguyễn Anh Đức  nói thêm.

Giá cả đầu vào tăng, siêu thị gồng mình kìm giá - Ảnh 2.

Nhà bán lẻ gồng mình giữ giá và tìm cách kích thích chi tiêu trong cơn bão giá

Việc xăng dầu tăng giá cũng thay đổi thói quen chi tiêu của người tiêu dùng, họ chú trọng các sản phẩm nhu yếu phẩm và hạn chế mua sắm đối với nhiều mặt hàng không thiết yếu. Do đó, tập trung bình ổn, khuyến mãi nhằm kích thích tiêu dùng với nhóm sản phẩm thiết yếu là một số giải pháp trước mắt nhà bán lẻ thực hiện để duy trì sức mua.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước