Chính sách thuế gây khó cho ngành cà phê

Duy Ly-Thứ sáu, ngày 08/11/2013 06:59 GMT+7

 Bước vào niên vụ mới 2013-2014, nỗi lo về thị trường và giá cả lại tiếp tục hiện hữu không chỉ với người trồng cà phê mà cả ở các nhà xuất khẩu khi các khó khăn nội tại chưa thể tháo gỡ, đặc biệt là vốn để thu mua nguyên liệu.

Niên vụ cà phê 2012-2013 khép lại với con số không mấy sáng sủa. Tổng sản lượng xuất khẩu hơn 1,4 triệu tấn, giá trị kim ngạch đạt hơn 3 tỷ USD. So với niên vụ trước, ngành xuất khẩu cà phê năm nay đã giảm hơn 11% về giá trị kim ngạch lẫn sản lượng.

Năm nay 1ha cà phê của ông Lê Thành Trinh, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk không đủ cung cấp cho một người con đang theo học đại học. 5 miệng ăn còn lại chưa biết trông vào đâu khi 1ha cà phê của ông giờ chỉ cho lợi nhuận chưa đầy 30 triệu đồng.

Giá cà phê đang thấp kỷ lục trong vòng 4 năm trở lại đây, chỉ 36.000 đồng/kg. Người bán nhiều hơn người mua nên càng đẩy giá cà phê xô đi xuống. Dù biết nông dân mỗi ngày đang đối mặt với thua lỗ nhưng với các doanh nghiệp xuất khẩu thì lực bất tòng tâm.

Bà Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc DNTN Thương mại Phan Anh, Đắk Lắk cho biết: “Giá cà phê trên thị trường xuống mức thấp một phần do giá thế giới đi xuống. Cùng với đó các doanh nghiệp cũng thiếu vốn không kinh doanh được”.

Nghịch lý ở câu chuyện thiếu vốn của doanh nghiệp cà phê lại được bắt nguồn từ hoạt động gian lận thuế của một số doanh nghiệp bất chính. Vào mùa vụ, số đối tượng doanh nghiệp này đã thu mua số lượng lớn cà phê với giá cao hơn giá thị trường, sau đó bán ra với giá thấp cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Từ đây số thuế phải nộp ít hơn hoặc được hoàn thuế và như vậy số tiền lãi mà doanh nghiệp làm ăn bất chính bỏ túi được nhiều hơn.

Để đối phó với gian lận thuế VAT, ngành thuế đã thay đổi chính sách từ hoàn thuế trước kiểm tra sau, sang hình thức phải kiểm tra hóa đơn trong tất cả các quá trình kinh doanh, thấy không có vấn đề gì mới hoàn thuế. Tuy nhiên, việc vận hành một chính sách mới lại vô tình đẩy ngành cà phê vào thế “đói” vốn ngay trong thời kỳ cao điểm của mùa vụ, khi không ít doanh nghiệp hồ sơ đã hoàn tất từ 5-6 tháng vẫn chưa được hoàn thuế.

Trước bức xúc của doanh nghiệp, ngành thuế đã đưa ra dự thảo trở lại chính sách thuế ban đầu là hoàn thuế trước, kiểm tra sau. Song sửa sai lại không triệt để mà chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu hơn 30 tỷ, sản xuất kinh doanh trên 3 năm và kim ngạch xuất khẩu của năm liền kề trước đó từ 200 tỷ trở lên. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp càng khó khăn hơn, bởi đa phần tham gia xuất khẩu cà phê ở Việt Nam đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ không đáp ứng được yêu cầu này.

Các chuyên gia trong ngành cho rằng, để hạn chế mức giá tiếp tục giảm sâu gây thiệt hại cho người trồng cà phê, lúc này việc sàng lọc các doanh nghiệp làm ăn chân chính để thực hiện chính sách hoàn thuế trước, kiểm tra sau, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sớm thu hồi vốn là điều cấp thiết.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước