Để hưởng mức thuế ưu đãi 0% thay vì là khoảng 20% như hiện nay, các sản phẩm dệt may của Việt Nam phải có các nguyên phụ liệu được sản xuất ở trong nước hoặc các nước trong khu vực TPP. Nhưng trên thực tế, đây là quy định khó có thể đáp ứng được của các DN dệt may Việt Nam.
Như tại Tổng Công ty May Đức Giang, hơn 80% số vải trong kho được nhập từ Trung Quốc và Đài Loan - hai nước không nằm trong khu vực TPP. Mặc dù doanh nghiệp này đã cố tìm mua nguyên liệu trong nước để được hưởng thuế suất ưu đãi 0% nhưng không được bao nhiêu vì nguồn cung trong nước rất ít.
Còn đối với Tổng Công ty Cổ phần May Bắc Giang, mỗi năm cũng xuất khẩu hàng chục triệu sản phẩm vào Mỹ. Tuy nhiên, khi TPP được ký kết, doanh nghiệp cũng khó có thể được hưởng thuế suất ưu đãi 0% như kỳ vọng bởi không những nguyên liệu đều phải nhập khẩu từ những nước ngoài TPP mà còn phải do khách hàng chỉ định.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, mỗi năm ngành dệt may sử dụng khoảng 820.000 tấn nguyên phụ liệu, trong đó, khoảng 70% khối lượng nhập từ Trung Quốc - nước không tham gia vào TPP. Lý do bởi ngành sản xuất nguyên phụ liệu dệt may trong nước còn rất yếu, không đáp ứng đủ nguồn cung cho các doanh nghiệp.
Như vậy, sau khi Việt Nam gia nhập TPP, thuế suất xuất khẩu sản phẩm dệt may chỉ còn 0% nhưng để được hưởng ưu đãi thuế suất này đối với các DN dệt may nội không phải là điều dễ dàng.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!