Kế hoạch nêu ra 3 tình huống có thể xảy ra về cách virus SARS-CoV-2 có thể phát triển trong năm tới.
"Dựa trên những gì chúng ta đã biết cho đến nay, kịch bản có khả năng nhất là virus SARS-CoV-2 tiếp tục phát triển, nhưng mức độ nghiêm trọng của bệnh COVID-19 mà nó gây ra giảm theo thời gian, khi khả năng miễn dịch tăng lên do (người dân) đã tiêm vaccine và đã mắc bệnh". Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết trong một cuộc họp.
Trong trường hợp này, virus gây ra các đợt bùng phát ít nghiêm trọng hơn so với mức độ lây truyền đột biến thông thường khi khả năng miễn dịch suy giảm.
Có thể cần tiêm các mũi vaccine tăng cường cho những người có nguy cơ cao nhất. Virus có khả năng diễn ra với mô hình theo mùa, trong đó đỉnh điểm vào những tháng lạnh hơn, tương tự như bệnh cúm.
Theo WHO, trong trường hợp khả quan nhất, các biến thể tới đây sẽ "ít nghiêm trọng hơn đáng kể", khả năng bảo vệ khỏi bệnh nặng sẽ lâu dài mà không cần tiêm mũi tăng cường trong tương lai hoặc thay đổi đáng kể đối với vaccine hiện tại.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus. (Ảnh: AP)
Trong trường hợp xấu nhất, virus biến đổi thành một mối đe dọa mới, có khả năng lây truyền cao và gây chết người. Với trường hợp này, vaccine sẽ kém hiệu quả hơn và khả năng miễn dịch khỏi bệnh nặng và tử vong sẽ suy yếu nhanh chóng, đòi hỏi những thay đổi đáng kể đối với vaccine hiện tại, cũng như cần thực hiện một chiến dịch tiêm nhắc lại rộng rãi cho các nhóm dễ bị tổn thương.
Báo cáo Kế hoạch chuẩn bị chiến lược, sẵn sàng và ứng phó là báo cáo thứ 3 của WHO và có thể là báo cáo cuối cùng, ông Tedros nói.
Để giúp chấm dứt tình trạng khẩn cấp bởi đại dịch, WHO kêu gọi các quốc gia tiếp tục hoặc tăng cường khả năng giám sát virus, qua đó phát hiện ra các dấu hiệu cảnh báo sớm về những thay đổi đáng kể của virus. Đồng thời, WHO kêu gọi cải thiện việc phát hiện các triệu chứng COVID-19 kéo dài, nhằm theo dõi và giảm thiểu tình trạng khuyết tật dài hạn sau khi đại dịch kết thúc.
Theo WHO, các quốc gia phải tiếp tục thực hiện xét nghiệm chẩn đoán virus SARS-CoV-2, giúp xác định các trường hợp mắc bệnh riêng lẻ và hướng dẫn việc ra quyết định ở cấp cộng đồng, cũng như để theo dõi sự tiến hóa của virus trong quần thể động vật.
WHO tiếp tục thúc đẩy mục tiêu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 70% dân số thế giới, tập trung vào những người dễ bị tổn thương nhất.
Báo cáo thừa nhận rằng, các loại vaccine hiện nay đang tỏ ra kém hiệu quả hơn so với kỳ vọng trong việc giảm khả năng lây truyền của biến thể Omicron, nhưng cho biết mục tiêu của vaccine vẫn phù hợp.
Tính đến cuối tháng 3/2022, hơn 11 tỷ liều vaccine COVID-19 đã được sử dụng trên toàn cầu, nhưng khoảng 36% dân số thế giới vẫn chưa được tiêm mũi đầu tiên.
Báo cáo đầu tiên của WHO về COVID-19 được công bố vào tháng 2/2020, khi đại dịch bắt đầu diễn ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!