Tròn 2 năm, đại dịch COVID-19 chưa chấm dứt, có thể kéo dài và virus gây bệnh tiếp tục biến đổi

Theo TTXVN-Thứ sáu, ngày 11/03/2022 06:50 GMT+7

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Iran. Ảnh: IRNA/ TTXVN

VTV.vn - Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã nhận định như vậy sau 2 năm WHO công bố đại dịch (11/3/2020).

Tròn 2 năm kể từ ngày Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức tuyên bố COVID-19, căn bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra, là đại dịch toàn cầu (11/3/2020), những ca mắc mới vẫn tiếp tục xuất hiện, trung bình mỗi ngày khoảng 1,5 triệu ca. Đến nay, ngày càng nhiều quốc gia hướng tới coi đây là căn bệnh đặc hữu và chuyển sang "sống chung với COVID-19".

Có thể nói, trong suốt lịch sử, thế giới chưa từng ghi nhận virus nào có tốc độ lây lan "chóng mặt" như virus SARS-CoV-2. Vào thời điểm WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch năm 2020, virus SARS-CoV-2 có mặt tại hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, với trên 121.000 ca nhiễm, trong đó có hơn 4.300 ca tử vong. Thế nhưng, chỉ 1 năm sau đó, số ca nhiễm trên thế giới đã tăng tới hơn 1.500 lần, lên hơn 181,7 triệu ca và số ca tử vong tăng hơn 630 lần, lên hơn 2,6 triệu ca. Sau 2 năm, virus SARS-CoV-2 đã "mở rộng phạm vi hoạt động" tới khoảng 221 quốc gia và vùng lãnh thổ, với khoảng 452 triệu ca mắc, trong đó hơn 6 triệu người không qua khỏi. So với thời điểm năm 2020, số ca mắc mới hiện đã tăng hơn 3.700 lần, trong khi số ca tử vong tăng hơn 1.400 lần.

Trong 2 năm qua, thế giới đã chứng kiến diễn tiến dịch bệnh theo đồ thị hình sin do virus SARS-CoV-2 không chỉ tấn công bằng chủng gốc mà đã biến đổi thành 5 "biến thể đáng quan ngại" (VOC), gồm Alpha, Beta, Gamma, Delta và Omicron, cùng hàng chục "biến thể đáng quan tâm". Các biến thể sau dường như vượt trội hơn các biến thể trước về khả năng "né tránh" vaccine, kéo theo tốc độ lây nhiễm cao hơn, đẩy số ca nhiễm mới liên tục lập kỷ lục. Đỉnh điểm, do sự lây lan của biến thể Omicron, tháng 1 vừa qua, số ca nhiễm mới trong 1 ngày của thế giới lần đầu tiên vượt mốc 3 triệu ca và duy trì trong suốt nhiều ngày.

Tròn 2 năm, đại dịch COVID-19 chưa chấm dứt, có thể kéo dài và virus gây bệnh tiếp tục biến đổi - Ảnh 1.

Một người phụ nữ đeo khẩu trang đi qua biển khuyến khích tiêm chủng ở thủ đô London, Anh. Ảnh: Reuters.

So với giai đoạn 1 năm đầu tiên WHO tuyên bố đại dịch, bước sang năm thứ hai (từ tháng 3/2021), những "cơn sóng dữ" mang tên biến thể đã làm thay đổi phương thức chống dịch của nhiều nước. Australia là một ví dụ. Dù thành phố Melbourne của Australia áp đặt phong tỏa dài nhất thế giới, tới 262 ngày, song biện pháp này vẫn không thể ngăn được sự xâm nhập của biến thể Omicron, đẩy số ca mắc mới đầu năm 2022 liên tiếp lập đỉnh. Không chỉ vậy, đợt phong tỏa kéo dài tại Australia đã khiến kinh tế nước này chịu thiệt hại lên tới hơn 5 tỷ USD/tháng. Tình trạng trên cũng xảy ra tại nhiều nước trên thế giới. Trong bản đánh giá vào mùa Thu 2021, Ngân hàng Thế giới cho rằng sự xuất hiện của biến thể Delta hồi đầu năm 2021 đã kéo dài tình trạng khó khăn của doanh nghiệp và hộ gia đình, kéo lùi tăng trưởng kinh tế. Nợ công của các nền kinh tế mới nổi (trừ Trung Quốc) đã lên mức kỷ lục 36.000 tỷ USD trong quý II/2021 và tăng vọt từ mức 52%. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý IV/2019 lên 62% trong quý II/2021. Chưa kể, hoạt động sản xuất trên toàn cầu bị mất đà do gián đoạn chuỗi cung ứng.

Trong bối cảnh đó, kinh nghiệm mà thế giới thu được sau thời gian dài chống dịch và đặc biệt là sự ra đời của nhiều loại vaccine và thuốc điều trị hiệu quả đã tạo ra bước ngoặt. Cùng các chiến dịch tiêm chủng thần tốc, số ca bệnh nặng và tử vong trên thế giới tỷ lệ nghịch với số ca nhiễm mới, chứng minh hiệu quả mà vaccine mang lại đối với cuộc chiến chống COVID-19 là không thể phủ nhận. Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, tỷ lệ tử vong do mắc COVID-19 của thế giới trong thời điểm cuối năm 2021 là gần 2%, chưa bằng 1/3 so với đỉnh điểm vào mùa Xuân năm trước. Tiến sĩ Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, cho biết kết quả khảo sát cho thấy những người chưa tiêm vaccine có nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 cao hơn 6 lần, có nguy cơ nhập viện cao hơn 9 lần và nguy cơ tử vong nhiều hơn 14 lần so với những người đã tiêm vaccine. Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Israel cũng chỉ ra rằng người được tiêm mũi tăng cường sẽ giảm được tới 90% nguy cơ tử vong do COVID-19.

Tròn 2 năm, đại dịch COVID-19 chưa chấm dứt, có thể kéo dài và virus gây bệnh tiếp tục biến đổi - Ảnh 2.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 7/3/2022. Ảnh: Kyodo/ TTXVN

Chính những thành quả trên đã củng cố quyết tâm của các nước, coi COVID-19 không còn là "pandemic" (đại dịch) mà là "endemic" (bệnh đặc hữu), đồng nghĩa với việc chuyển hướng sang "sống chung an toàn", vừa kiểm soát các đợt bùng phát dịch, vừa mở cửa trở lại nền kinh tế và khôi phục cuộc sống bình thường. Ngay trước thời điểm đánh dấu 2 năm WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu, thêm hàng loạt quốc gia đã dỡ bỏ tất cả các biện pháp hạn chế được áp đặt nhằm ngăn dịch bệnh lây lan, mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế, du lịch... Nhiều quốc gia đã công bố lộ trình chuyển dần sang giai đoạn coi COVID-19 là bệnh đặc hữu mà con người có thể sống chung.

Tuy dự đoán COVID-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu giống như bệnh cúm, đồng nghĩa với việc dịch bệnh trở nên ổn định hơn và có thể dự báo vào cuối năm 2022, song giới chuyên gia vẫn cho rằng đại dịch COVID-19 khó có thể loại bỏ hoàn toàn trong "một sớm, một chiều". Cơ quan tư vấn khoa học SAGE của Chính phủ Anh đưa ra kịch bản dịch bệnh "tốt nhất và hợp lý" trong thời gian tới là sẽ có những đợt bùng phát theo khu vực hoặc theo mùa quy mô nhỏ hơn. Còn trong trường hợp xấu nhất, các biến thể mới khó lường tạo thành các đợt bùng phát dịch bệnh nguy hiểm lặp đi lặp lại, đòi hỏi các nước phải khôi phục các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt.

Đánh giá về diễn biến dịch COVID-19 trong thời gian tới, các chuyên gia đề cập tới 2 yếu tố tác động chủ yếu: khả năng xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và khả năng của vaccine để bảo vệ chống lại căn bệnh này trong thời gian dài. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo trên toàn cầu vẫn đang có các điều kiện lý tưởng để có thêm nhiều biến thể xuất hiện. Trong bối cảnh các nước thúc đẩy mở cửa nền kinh tế, việc triển khai tiêm vaccine chậm tại các nước nghèo có thể tạo ra "lỗ hổng" để virus SARS-CoV-2 đột biến, có khả năng tạo ra các biến thể mới, xâm nhập và tấn công các nước, như cách thức lây lan của Omicron. Hiện có tới 50% trong số 194 nước thành viên WHO bỏ lỡ mục tiêu tiêm chủng cho 40% dân số vào cuối năm 2021 và 85% người dân tại châu Phi vẫn chưa tiêm mũi nào. Theo số liệu mới nhất của WHO, 23 nước, chủ yếu ở châu Phi, vẫn chưa tiêm đủ liều cho 10% dân số. Ông John Nkengasong, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Liên minh châu Phi (AU), coi việc châu Phi tụt hậu trong vấn đề tiêm chủng so với các quốc gia khác là sự thất bại của hợp tác và đoàn kết toàn cầu.

Tròn 2 năm, đại dịch COVID-19 chưa chấm dứt, có thể kéo dài và virus gây bệnh tiếp tục biến đổi - Ảnh 3.

Theo WHO, việc triển khai tiêm vaccine chậm tại các nước nghèo có thể tạo ra "lỗ hổng" để virus SARS-CoV-2 đột biến

Sự xuất hiện của biến thể Omicron cho thấy virus SARS-CoV-2 có thể tạo ra các đột biến, sinh sôi ở những khu vực có tỷ lệ tiêm phòng thấp và lây lan sang những khu vực có độ bao phủ lớn hơn nhiều. Bởi vậy, giới chuyên gia chỉ ra rằng biện pháp đưa thế giới chuyển từ giai đoạn đại dịch sang bệnh đặc hữu là đảm bảo công bằng vaccine.

Trong một thộng điệp đưa ra cuối năm ngoái, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố năm 2022 phải là năm thế giới kết thúc đại dịch COVID-19. Người đứng đầu WHO nhấn mạnh với việc phát triển các loại vaccine thế hệ thứ hai và thứ ba, cũng như việc phát triển các phương pháp điều trị kháng khuẩn, kháng virus và các đổi mới, sáng tạo khác, "hy vọng chúng ta có thể đưa COVID-19 trở thành căn bệnh tương đối nhẹ, dễ dàng ngăn ngừa và điều trị. Nếu có thể kiểm soát sự lây lan của virus ở mức nhỏ nhất, chúng ta có thể kết thúc đại dịch". Để làm được điều đó, theo ông, thế giới phải đoàn kết cùng nhau.

Hai năm sau ngày WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus một lần nữa khẳng định "đại dịch sẽ không chấm dứt ở bất cứ đâu cho đến khi chấm dứt ở mọi nơi". Có thể nói, hợp tác nhiều hơn chính là con đường giúp chấm dứt đại dịch và "vĩnh viễn khép lại chương buồn của lịch sử nhân loại".

Giải pháp cho các cuộc họp đại hội cổ đông mùa dịch COVID-19 Giải pháp cho các cuộc họp đại hội cổ đông mùa dịch COVID-19

VTV.vn - Nhằm khắc phục những thách thức của họp truyền thống và thích nghi với tình hình mới, các doanh nghiệp VN30 bắt tay với giải pháp UBot Meeting tổ chức sự kiện trực tuyến.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước