Các bộ phận của tên lửa thử nghiệm do Nga bắn vào Dnipro hôm 21/11 (Ảnh: AFP / Getty)
Đây là lần đầu tiên một loại vũ khí mạnh như vậy được sử dụng trong chiến tranh.
Những mảnh vỡ bị cháy xém và vỡ vụn được đặt trong một nhà chứa máy bay tại một cơ sở tiến hành giám định vũ khí. Các chuyên gia Ukraine nghiên cứu những mảnh vỡ này nhằm tìm hiểu sâu hơn về chuỗi cung ứng quân sự, sản xuất tên lửa của Nga và phương hướng phát triển các biện pháp đối phó.
Nga đã đặt tên là tên lửa Oreshnik và cho biết tên lửa này không thể đánh chặn bằng hệ thống phòng không. Theo phía Ukraine, vũ khí này đạt tốc độ tối đa hơn 13.000 km/h trên đường hướng tới Dnipro vào ngày 21/11. Tên lửa đạn đạo tầm trung có tầm bắn lên tới 5.500 km.
Hai chuyên gia nhà nước Ukraine đã đưa ra đánh giá thận trọng, chỉ nói rằng vũ khí này là tên lửa đạn đạo, bay theo quỹ đạo đạn đạo và cuộc tấn công đã gây ra thiệt hại cho dân thường. Họ từ chối trả lời câu hỏi.
Một trong những chuyên gia nói: "Đây là những kết luận sơ bộ và để nói điều gì đó cụ thể hơn thì cần có thời gian và nghiên cứu cẩn thận những gì còn lại của tên lửa".
"Đây là lần đầu tiên phát hiện ra những tàn tích của một tên lửa như vậy trên lãnh thổ Ukraine" - ông Oleh, một điều tra viên của Cơ quan An ninh Ukraine, cho biết.
Tổng thống Ukraine Zelensky đã gọi việc sử dụng tên lửa loại này là một sự leo thang nghiêm trọng và kêu gọi các đồng minh phương Tây phản ứng. Ban đầu, Ukraine cho biết vũ khí này có vẻ là một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Sau đó, Điện Kremlin cho biết họ đã bắn một tên lửa tầm trung mới vào một mục tiêu quân sự của Ukraine ở thành phố Dnipro để đáp trả việc Kiev tấn công Nga bằng tên lửa do Mỹ và Anh sản xuất lần đầu tiên sau khi Mỹ chấp thuận.
Quân đội Mỹ cho biết thiết kế của tên lửa này dựa trên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) RS-26 Rubezh tầm xa hơn. Tên lửa mới này là tên lửa thử nghiệm và Nga có khả năng chỉ sở hữu một số ít loại tên lửa này - theo thông tin từ quân đội Mỹ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 tuyên bố Moscow sẽ tiếp tục thử nghiệm tên lửa này trong chiến đấu và đã có một kho vũ khí loại này sẵn sàng để sử dụng.
Hiện vẫn còn nhiều điều chưa rõ ràng, bao gồm cả mức độ thiệt hại do tên lửa gây ra. Ukraine hiếm khi tiết lộ thiệt hại đối với các mục tiêu quân sự vì lo ngại thông tin như vậy sẽ có lợi cho Moscow.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!