Tổng thống Donald Trump ký gần 100 sắc lệnh hành pháp, rút Mỹ khỏi WHO

Linh Quy (Theo CNN)-Thứ ba, ngày 21/01/2025 11:08 GMT+7

Tổng thống Trump ký các sắc lệnh hành pháp tại sân vận động Capitol One Arena ở Washington, DC vào tối 20/1. (Ảnh: AFP/Getty Images)

VTV.vn - Sau lễ tuyên thệ vào trưa 20/1 (giờ Mỹ), Tổng thống Donald Trump đã ký gần 100 sắc lệnh hành pháp - công cụ nhanh nhất mà ông có trong tay để tái cấu trúc chính phủ.

Đảo ngược các lệnh thời ông Joe Biden

Ngay sau lễ nhậm chức tại Đồi Capitol và chính thức trở thành Tổng thống thứ 47 của Mỹ, ông Donald Trump đã ký gần 100 sắc lệnh hành pháp liên quan tới hàng loạt lĩnh vực. Các sắc lệnh tập trung vào những vấn đề “nóng” mà ông Trump đã đề cập trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống vừa qua. Ông đã hủy bỏ 78 sắc lệnh hành pháp của người tiền nhiệm, phần lớn trong số đó được ông Joe Biden ký vào ngày đầu tiên nhậm chức.

Các chính sách bị thu hồi bao gồm: lệnh hành pháp yêu cầu các cơ quan liên bang mở rộng lệnh cấm phân biệt đối xử giới tính để bao gồm cả khuynh hướng tình dục và bản dạng giới; lệnh yêu cầu những người được bổ nhiệm vào nhánh hành pháp phải ký cam kết đạo đức; lệnh cho phép những người chuyển giới phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ; và lệnh cấm gia hạn hợp đồng nhà tù tư nhân.

Các lệnh khác thời ông Biden bị Tổng thống Trump thu hồi bao gồm: rút lại lệnh xóa chỉ định Cuba là quốc gia tài trợ cho khủng bố, áp dụng lệnh trừng phạt đối với những người định cư Do Thái ở Bờ Tây và tìm cách giảm thiểu rủi ro của trí tuệ nhân tạo.

Tổng thống Donald Trump ký gần 100 sắc lệnh hành pháp, rút Mỹ khỏi WHO - Ảnh 1.

(Ảnh: Getty Images)

Tổng thống Biden chỉ mới xóa Cuba khỏi danh sách quốc gia tài trợ khủng bố vào ngày 14/1. Danh sách các lệnh bị thu hồi mà ông Trump vừa ký không nêu rõ lý do cụ thể để đảo ngược các sắc lệnh của người tiền nhiệm.

Cựu Tổng thống Biden từng áp dụng lệnh trừng phạt đối với một số người định cư Do Thái bị cáo buộc kích động bạo lực ở Bờ Tây vào tháng 2/2024, và lệnh AI năm 2023 của ông nhằm mục đích giám sát và điều chỉnh các rủi ro của trí tuệ nhân tạo.

Các sắc lệnh do ông Trump vừa ký còn tập trung vào những vấn đề nóng khác như: nhập cư, thuế quan, công nghệ và khai thác dầu mỏ.

Cụ thể, tân Tổng thống Mỹ đã ký tới 10 sắc lệnh hành pháp liên quan tới vấn đề an ninh biên giới phía Nam và chống nhập cư trái phép ngay trong ngày cầm quyền đầu tiên. Đáng chú ý là sắc lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia tại biên giới, tạo điều kiện cho quân đội Mỹ hoàn thành việc xây dựng bức tường biên giới giáp Mexico và cho phép Lầu Năm Góc triển khai lực lượng quân thường trực vùng các thành viên Vệ binh Quốc gia tới khu vực này. Ngoài ra, Washington còn đình chỉ chương trình tái định cư người tị nạn trong ít nhất 4 tháng.

Tổng thống Trump cũng ký sắc lệnh chấm dứt quyền công dân dựa trên nơi sinh, vốn được ghi trong Tu chính án số 14 của Hiến pháp Mỹ, theo đó sẽ không cấp quyền công dân cho những trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Mỹ nhưng cha mẹ không có tư cách công dân Mỹ. Tuy nhiên, động thái này chắc chắn sẽ gây tranh cãi và đối mặt với những thách thức pháp lý từ các cơ quan lập pháp.

Tổng thống Trump còn ký hàng chục sắc lệnh hành pháp liên quan tới việc gia hạn thời gian hoạt động của mạng xã hội Tik Tok tại Mỹ để tạo điều kiện cho công ty mẹ ByteDance thoái vốn khỏi ứng dụng này; sắc lệnh nới lỏng hệ thống quy định trước đây của chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden áp đặt các hạn chế nhằm vào các công ty khai thác nhiên liệu hóa thạch, ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về năng lượng để trao thêm quyền hạn và đẩy nhanh tiến độ cấp phép cho các dự án đường ống dẫn và nhà máy điện. Nhà Trắng cho biết Tổng thống Donald Trump một lần nữa sẽ rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris về khí hậu, đưa quốc gia có lượng khí thải lớn nhất thế giới ra khỏi nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu lần thứ 2 trong vòng một thập kỷ.

Về thuế quan, ông chủ thứ 47 của Nhà Trắng đã ký các sắc lệnh áp thuế 25% đối với tất cả các sản phẩm xuất khẩu vào thị trường Mỹ từ Canada và Mexico, và áp thêm 10% thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Trung Quốc; chỉ đạo các cơ quan liên bang khởi động điều tra các hoạt động thương mại như thâm hụt thương mại, các hoạt động tiền tệ bất bình đẳng, hàng giả và quy định đặc biệt cho phép các mặt hàng có giá trị thấp xuất khẩu vào nền kinh tế lớn nhất thế giới mà không bị đánh thuế.

Ngoài ra, tân Tổng thống Trump còn ký hàng loạt sắc lệnh liên quan tới việc đổi tên Vịnh Mexico, quyền của người chuyển giới với quan điểm nước Mỹ sẽ chỉ công nhận hai giới tính duy nhất là nam và nữ; chấm dứt những chính sách ưu đãi đối với lĩnh vực xe điện.

Tổng thống Donald Trump ký gần 100 sắc lệnh hành pháp, rút Mỹ khỏi WHO - Ảnh 2.

Ông Trump tại Phòng Bầu dục sau lễ tuyên thệ nhậm chức. (Ảnh: Getty Images)

Ký sắc lệnh hoãn cấm TikTok

Ông Trump vừa ký sắc lệnh hoãn thi hành đạo luật cấm TikTok trong vòng 75 ngày, đồng thời cho phép các kho ứng dụng mở lại hoạt động tải ứng dụng này trên nền tảng.

Trước đó, theo đạo luật được ban hành vào tháng 4/2024 dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden, TikTok buộc phải ngừng hoạt động tại Mỹ vào ngày 19/1/2025. Ứng dụng đã thực sự dừng hoạt động trong ngày này, nhưng chỉ sau 12 giờ, TikTok đã hoạt động trở lại.

Theo chỉ thị, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ không được thi hành luật, nhằm "mở ra cơ hội để chính quyền xác định hướng xử lý phù hợp đối với TikTok". Ngoài ra, các công ty như Apple, Google và Oracle cũng được tiếp tục hợp tác với TikTok mà không phải chịu trách nhiệm pháp lý hay bị phạt vì những hoạt động liên quan trong thời gian tạm hoãn.

TikTok là nền tảng mạng xã hội có 170 triệu người dùng tại Mỹ, chiếm gần một nửa dân số nước này. Nền tảng đến từ Trung Quốc cũng là đối tác lớn của nhiều nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ dữ liệu, quảng cáo và tiếp thị.

Rút Mỹ khỏi WHO

Tân Tổng thống Mỹ đã ký sắc lệnh rút nước này khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Giới chuyên gia y tế cho rằng động thái này sẽ làm suy yếu vị thế của Washington trong cộng đồng y tế toàn cầu, đồng thời khiến cho việc ứng phó với đại dịch tiếp theo trở nên khó khăn hơn.

Việc Mỹ rút khỏi WHO không phải là quyết định bất ngờ vì từ năm 2020, ông Donald Trump, khi đó đang giữ cương vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ, đã có hàng loạt công kích nhằm vào cách thức tổ chức y tế lớn nhất thế giới xử lý đại dịch COVID-19, cũng như tuyên bố sẽ cắt nguồn tài trợ của Mỹ dành cho ngân sách thường niên của cơ quan y tế này.

Quyết định của Mỹ rút khỏi WHO sẽ có hiệu lực trong 12 tháng nữa và Washington cũng sẽ cắt mọi đóng góp tài chính cho tổ chức này, vốn chiếm khoảng 18% ngân sách hoạt động của WHO.

Theo quy định, với việc nước Mỹ rời WHO, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Mỹ sẽ không còn quyền truy cập hệ thống dữ liệu toàn cầu do WHO cung cấp.

Toàn cảnh lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ thứ 47 của ông Donald Trump Toàn cảnh lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ thứ 47 của ông Donald Trump Lễ nhậm chức tổng thống Mỹ trước giờ G Lễ nhậm chức tổng thống Mỹ trước giờ G Lời tạm biệt tràn đầy lạc quan của Tổng thống Joe Biden Lời tạm biệt tràn đầy lạc quan của Tổng thống Joe Biden

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước