Tháng 3 là thời điểm quan trọng đối với Liên minh châu Âu (EU) khi khối liên minh này đánh dấu 60 năm hình thành và phát triển. Đây cũng không đơn giản là dịp kỷ niệm sinh nhật mà còn là bước ngoặt với nhiều thay đổi khai sinh ra một Liên minh châu Âu mới phù hợp với những thách thức hiện nay của khu vực.
Những nguyên tắc và giá trị của liên minh châu Âu đang có nguy cơ bị đe dọa khi các cử tri Anh đang muốn rời khỏi EU, những phong trào cực hữu, những đảng dân túy đang trỗi dậy trên khắp châu Âu cùng sự chia rẽ về chính trị ngày một gia tăng.
Các nước EU sẽ phải làm gì để đối phó với những thách thức mới này? Tương lai của 27 thành viên khi nước Anh dời đi sẽ ra sao và cú sốc Brexit liệu có thể trở thành một động lực thực sự để liên minh châu Âu tiến hành những cải cách sâu rộng hay không?
Những câu hỏi này rất khó để trả lời nhưng theo ông Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện chiến lược Bộ Ngoại giao: "Mặc dù hiện nay Anh rời khỏi EU chưa có kết quả nhưng những tác động của nó đã phần nào ảnh hưởng đến Liên minh châu Âu. Trong khi hiện nay, châu Âu lại đứng trước rất nhiều thách thức từ bên trong lẫn bên ngoài".
"Do vậy, giới lãnh đạo châu Âu muốn khởi động một chương trình bàn thảo sẽ được đưa ra bàn bạc chi tiết vào Hội nghị thưởng đỉnh cuối tháng này để kỷ niệm 60 năm ngày hình thành EU", ông Việt Thái nói thêm.
Như vậy, trước nguy cơ đổ vỡ, các nhà lãnh đạo EU đã chọn con đường cải tổ. Tuy nhiên, hiệu quả thực sự của cuộc cải cách EU vẫn còn đang ở phía trước.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!