Tuần này, tại Trung Quốc đã diễn ra chuỗi sự kiện đặc biệt, đó là Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc, còn gọi là Chính Hiệp, và Kỳ họp thứ 4 Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc, tức Quốc hội khóa XIII. Hai sự kiện này thường diễn ra liền nhau, còn được biết đến với tên là Lưỡng hội.
Hội nghị năm nay càng thu hút sự chú ý bởi đặc biệt trong đó là tính thời điểm. Năm 2021, Trung Quốc chính thức bước vào năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm lần thứ 14, 2021 - 2025. Năm nay cũng kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, như vậy là năm đầu tiên trên con đường thực hiện mục tiêu 100 năm lần thứ 2. Những báo cáo quan trọng về mục tiêu năm 2021 và các mục tiêu bao quát xa hơn đã được công bố. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, có nhiều tín hiệu cho thấy cải cách sẽ được tiến hành và thậm chí được xem là đòn bẩy chủ yếu để thúc đẩy kinh tế đi vào giai đoạn phát triển với chất lượng cao trong dài hạn.
Phiên khai mạc kỳ họp quốc hội Trung Quốc tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh hôm 5/3 (Ảnh: Xinhua)
Hướng tới mục tiêu tăng gấp 3 lần thu nhập bình quân đầu người trong tầm nhìn 2035, đầu tư mạnh để nâng cao chất lượng tăng trưởng và hướng mạnh nền kinh tế vào thị trường nội địa 1 tỷ 400 triệu dân. Đây là những điểm nổi bật trong kế hoạch kinh tế dài hơi của Trung Quốc, theo ghi nhận của phóng viên Thái Bình thường trú Đài THVN tại Bắc Kinh.
Ở tỉnh Quý Châu, dữ liệu lớn big data đã tạo luồng sinh khí mới cho kinh tế địa phương, ngay cả trong đại dịch. Mỗi năm tỉnh này đầu tư cho công nghệ cao tăng hơn 10%, trong đó phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin tăng đến hơn 30%. Trong giai đoạn 2019 - 2022, Quý Châu đầu từ hơn 3,1 tỷ USD cho 5G.
Từ chính sách đẩy mạnh đầu tư công nghệ hiện đại, tự động hóa trong logistic, chỉ trong 5 năm, số bưu kiện mua hàng thương mại điện tử bình quân trên đầu người tăng gấp 3 lần. Đây là động lực để các doanh nghiệp khai thác mạnh mẽ thị trường tiêu dùng nội địa, với hơn 400 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu. Tiêu dùng nội địa, càng quan trọng trong chiến lược Tuần hoàn kép.
Trong kế hoạch 5 năm 2021-2025, Trung Quốc đặt mục tiêu khắc phục các khâu yếu kém, nhất là công nghệ bán dẫn, công nghề phần mềm, đồng thời nhấn mạnh, các bộ phận quan trọng của chuỗi giá trị phải nằm tại Trung Quốc. Trong 5 năm tới, nước này xác định sẽ đầu tư mạnh cho các lĩnh vực đất hiếm, vật liệu đặc biệt, robot, phương tiện năng lượng mới, phát minh y học, các ứng dụng công nghiệp từ hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu Bắc Đẩu…, phấn đấu đến năm 2025, có 56% người dân sử dụng mạng 5G.
Quan sát các thách thức đối với nền kinh tế Trung Quốc trong một vài năm gần đây, có thể thấy, mô hình tăng trưởng nóng đã bắt đầu phát sinh các điểm yếu. Trong nhiều năm, kinh tế Trung Quốc đi lên dựa quá nhiều vào đầu tư, ít quan tâm đến thị trường nội địa, phát triển không cân bằng, đồng đều giữa thành thị và nông thôn, hay tăng trưởng thiếu bền vững, tiêu dùng quá nhiều năng lượng và không thân thiện với môi trường.
Cạnh tranh Mỹ - Trung và dịch COVID-19 giống như những đòn tác động trực tiếp, đòi hỏi sự thay đổi toàn diện, ngay từ cơ cấu nội tại của nền kinh tế và định hướng chất lượng tăng trưởng. Các mục tiêu dài và kế hoạch điều chỉnh được công bố tại kỳ họp quốc hội Trung quốc lần này, trên thực tế đã có những thử nghiệm bước đầu được triển khai trong năm 2020 vừa rồi. Một sự điều chỉnh được đánh giá là nhanh, trong bối cảnh Trung Quốc sớm kiểm soát được dịch bệnh, đã tạo một nền tảng tốt cho năm 2021 và các kế hoạch xa hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!