Đâu là thách thức lớn nhất đối với sự phát triển kinh tế của Trung Quốc?

Kim Huệ (Nguồn: CNBC, CNN, Caixin Global, ABCNews)-Thứ ba, ngày 02/03/2021 09:16 GMT+7

Một nhân viên y tế chăm sóc một em bé sơ sinh nằm trong lồng ấp tại Bệnh viện Chăm sóc Sức khỏe Phụ sản & Trẻ em Kinh Châu vào đêm trước Tết Kỷ Sửu, ngày 11 tháng 2 năm 2021 tại Kinh Châu, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.(Nguồn: CNBC)

VTV.vn - "Chúng tôi chưa chuẩn bị đủ (cho những thay đổi về nhân khẩu học)", Giáo sư Li Jianxin, tại Đại học Bắc Kinh chia sẻ. “Trung Quốc sẽ già đi trước khi giàu lên."

Trong một vài tuần gần đây, chính sách quy định số con của Trung Quốc đã thu hút được sự chú ý mới. Số liệu mới nhất công bố cho thấy năm 2020 là năm mà Trung Quốc ghi nhận tỷ lệ sinh thấp nhất kể từ khi nước này được thành lập vào năm 1949. Điều đó thể hiện bằng con số trẻ sơ sinh được đăng ký khai sinh giảm mạnh trong năm vừa qua. Các nhà chức trách đang đưa ra những tín hiệu trái chiều về việc: liệu Trung Quốc có tiến đến xóa bỏ giới hạn về số con mà các gia đình có thể sinh hay không? Vì theo giới phân tích, tỉ lệ dân số giảm mạnh đang là thách thức lớn nhất đối với sự phát triển kinh tế của Trung Quốc.

Câu chuyện về chính sách quy định số con tại Trung Quốc

Đối với các quốc gia có dân số trên 100 triệu, Trung Quốc là quốc gia có sự thay đổi cơ cấu nhanh nhất, từ tỷ lệ sinh liên tục giảm cho đến dân số già hóa nhanh nhất.

Trung Quốc, với 1,4 tỷ dân, đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học tiềm ẩn có thể đe dọa tăng trưởng kinh tế của nước này trong tương lai.

Dữ liệu điều tra dân số toàn diện dự kiến sẽ được công bố vào tháng 4 năm 2021. Nhưng từ dữ liệu thu thập được từ nhiều nơi khác nhau, nhiều khả năng sẽ tiếp tục tồn tại xu hướng giảm tỷ lệ sinh và già hóa nhanh.

Sau hàng thập kỉ áp dụng chính sách "một con" (kể từ năm 1979), Trung Quốc đã bãi bỏ chính sách này vào năm 2015 và thay vào đó là chính sách "hai con". Giờ đây, mỗi cặp vợ chồng Trung Quốc đã được phép sinh hai con, và ở một số khu vực còn cho phép cao hơn thế. Tuy nhiên, các nhà kinh tế lại cho rằng cần có những biện pháp khác để thúc đẩy tăng trưởng dân số, khi quốc gia này đang già đi nhanh chóng.

"Có 2 cách để giải quyết vấn đề này. Một là nới lỏng kiểm soát sinh đẻ. Tuy nhiên, ngay cả khi biện pháp này được thực thi, có lẽ nó cũng khó có thể đảo ngược được xu hướng giảm sinh ở Trung Quốc", nhận định của Zhiwei Zhang, chuyên gia kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management.

Ông Zhang giải thích thêm, "Một cách khác để giải quyết vấn đề này, từ góc độ chính sách kinh tế, là làm cho ngành công nghiệp phụ thuộc nhiều hơn vào các ngành khác."

Nền kinh tế Trung Quốc chủ yếu dựa vào các ngành như sản xuất, đòi hỏi lượng lớn lao động giá rẻ. Nhưng mức lương cơ bản tăng đang khiến các nhà máy Trung Quốc kém hấp dẫn hơn, trong khi người lao động đòi hỏi cần kỹ năng cao hơn để giúp đất nước đổi mới.

Alicia Garcia-Herrero, nhà kinh tế trưởng của Natixis về Châu Á - Thái Bình Dương, cho biết vấn đề lớn hơn đối với Trung Quốc là dân số già dẫn đến một vấn đề hiện tại: tăng trưởng năng suất lao động chậm hơn. Vị chuyên gia này đang theo dõi xem liệu Trung Quốc có tăng trưởng nhiều hơn trong các lĩnh vực thâm dụng vốn, vốn được thúc đẩy nhiều hơn bởi đầu tư vào tự động hóa hay không.

Tỷ lệ sinh ở Trung Quốc giảm 15% trong năm 2020

Đâu là thách thức lớn nhất đối với sự phát triển kinh tế của Trung Quốc? - Ảnh 1.

Khoa sơ sinh tại Bệnh viện tư nhân ở Vũ Hán, Trung Quốc ngày 12/3/2020.(Nguồn: CNN)

Số trẻ sơ sinh đăng ký khai sinh với Chính phủ ở Trung Quốc đã giảm gần 15% vào năm 2020, trong bối cảnh giới quan sát bày tỏ sự lo ngại lớn về tỷ lệ sinh giảm ở quốc gia đông dân nhất thế giới. Cụ thể, theo số liệu do Bộ Công an (Trung Quốc) công bố, có 10,03 triệu trẻ sơ sinh đăng ký khai sinh mới vào năm 2020, so với 11,79 triệu của năm 2019 - giảm 14,9%.

Các vấn đề về nhân khẩu học của Trung Quốc có thể đặt ra những vấn đề nghiêm trọng đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khi dân số trong độ tuổi lao động hiện nay đến tuổi nghỉ hưu. Các chuyên gia lo lắng nếu xu hướng này tiếp tục, hoặc dân số bắt đầu thu hẹp, Trung Quốc có thể già đi trước khi giàu lên.

Ông Stuart Gietel-Basten, Giáo sư Khoa học Xã hội và Chính sách Công tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông (Trung Quốc), cho biết mặc dù khả năng giảm tỷ lệ sinh có thể xảy ra ở hầu hết các quốc gia vào năm 2020 do đại dịch COVID-19, nhưng số liệu thống kê từ Trung Quốc đang theo cấu trúc giảm lâu dài.

Ông chia sẻ: "Tác động của COVID-19 có thể đã phóng đại nó lên, và trong những năm tới, sự sụt giảm có thể sẽ không quá tệ, nhưng xu hướng cấu trúc đi xuống đó có thể sẽ tiếp tục". "Số lượng trẻ mới sinh sẽ không bao giờ ở mức cao trong tương lai, bởi vì số lượng phụ nữ sinh đẻ đang giảm, và sẽ giảm nhanh chóng (trong những năm tới)."

Mặc dù sự thay đổi nhân khẩu học của Trung Quốc vẫn chưa là gì so với một số nước láng giềng có độ tuổi già hóa cao - chẳng hạn như Nhật Bản và Hàn Quốc, cả hai quốc gia này hiện đang thu hẹp dân số - nhưng nó vẫn đặt ra những vấn đề tiềm ẩn trong tương lai, đặc biệt là đối với thế hệ "con một".

Các bậc cha mẹ Trung Quốc đang theo xu hướng sinh ít con

Sau năm 2015, các cặp vợ chồng đã được phép sinh hai con, nhưng dường như đã quá muộn để xoay chuyển tình trạng suy giảm, với việc các bậc cha mẹ đang theo xu hướng phổ biến ở hầu hết các nước phát triển là sinh ít con hơn.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận thức rất rõ về nguy cơ dân số già có thể phải gánh chịu, cản trở nền kinh tế, khi Trung Quốc đang trên đà trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, và đã cố gắng khuyến khích người dân sinh con - sau nhiều thập kỷ áp dụng chính sách "một con" vô cùng gắt gao.

Vào năm 2018, Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đăng một bài xã luận nói rằng "Sinh con là vấn đề gia đình và cũng là vấn đề quốc gia", đồng thời cảnh báo rằng "tác động của tỷ lệ sinh thấp đối với kinh tế và xã hội đã bắt đầu lộ rõ."

Phụ nữ, những người từng phải gánh chịu gánh nặng kế hoạch hóa của chính sách "một con", giờ lại chịu thêm sức ép để sinh thêm con. Sau nhiều thập kỷ khuyến khích phụ nữ tham gia lực lượng lao động, áp lực kết hôn và sinh con ngày càng gia tăng, nhiều phụ nữ thuộc thế hệ thiên niên kỷ đang quay lưng lại hoàn toàn với ý tưởng về hôn nhân. Từ năm 2013 đến 2019, số người kết hôn lần đầu tiên ở Trung Quốc đã giảm 41%, từ 23,8 triệu người xuống còn 13,9 triệu người.

Wei-Jun Jean Yeung, một nhà xã hội học tại Đại học Quốc gia Singapore, người đã nghiên cứu về hôn nhân và gia đình ở các xã hội châu Á cho rằng: "Với trình độ học vấn được nâng cao, phụ nữ đã giành được độc lập về kinh tế, vì vậy hôn nhân không còn là nhu cầu thiết yếu của phụ nữ như trước đây. Phụ nữ bây giờ muốn theo đuổi sự nghiệp và phát triển bản thân trước khi kết hôn."

Chưa hết, giống như các nền kinh tế lớn khác, chi phí nhà và giáo dục cao ở Trung Quốc đã ngăn người dân nước này sinh thêm con trong những năm gần đây.

Thách thức từ dân số già tại Trung Quốc

Đâu là thách thức lớn nhất đối với sự phát triển kinh tế của Trung Quốc? - Ảnh 2.

Theo ước tính của chính phủ, đến năm 2050, nửa tỷ người ở Trung Quốc sẽ từ 60 tuổi trở lên.

Theo số liệu do Tổng cục Thống kê Quốc gia công bố, tính đến cuối năm 2019, số người từ 60 tuổi trở lên ở Trung Quốc đạt 254 triệu người, chiếm 18,1% tổng dân số. Những người trên 65 tuổi chiếm 12,6%. Đồng thời, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên năm 2019 cũng ở mức thấp nhất kể từ năm 1961.

Khi tỷ lệ người trên 60 tuổi chiếm ít nhất từ 10% tổng dân số,đó được gọi là "già hóa dân số." Tại Trung Quốc, vào năm 2017 hoặc 2018, tháp dân số của Trung Quốc đã đảo lộn, tức là tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên vượt quá tỷ lệ trẻ em và thanh niên. Tháp dân số bình thường thường ngược lại, với nhiều người trẻ hơn người già.

"Nó đại diện cho một thách thức lớn ở Trung Quốc và sẽ ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh của Trung Quốc, bao gồm phát triển kinh tế bền vững của Trung Quốc, sự ổn định và hài hòa xã hội, quốc phòng và sự kế thừa của nền văn minh Trung Quốc. Nó sẽ ảnh hưởng đến sức mạnh quốc gia tổng thể của Trung Quốc", Ông Li Jianxin, Giáo sư Khoa Xã hội học và Viện Nhân học Xã hội học tại Đại học Bắc Kinh, cho biết.

Trong số tất cả các quốc gia đông dân ở các nước phát triển, Nhật Bản được công nhận là quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất. Giáo sư Li Jianxin cho biết Trung Quốc đã đạt đến điểm giao nhau và bước vào giai đoạn đảo chiều với tốc độ nhanh hơn.

Giáo sư Li Jianxin tin rằng những thay đổi về nhân khẩu học của Trung Quốc và những thay đổi nhanh chóng trong cơ cấu lao động không có lợi cho việc nâng cao sự phát triển chung của Trung Quốc.

"Chúng tôi chưa chuẩn bị đủ (cho những thay đổi về nhân khẩu học)," Giáo sư Li Jianxin chia sẻ. "Điều đáng lo ngại là Trung Quốc sẽ già đi trước khi giàu lên."

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước