Trung Quốc là một trong số ít quốc gia vẫn giữ chế độ quản lý hộ khẩu khá nghiêm ngặt. Tại các đô thị lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến, Quảng Châu, hộ khẩu trở nên cực kỳ quan trọng đối với chuyện học hành, chữa bệnh hay mua nhà. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực cải cách sâu rộng chế độ hộ khẩu nhằm giải quyết nhiều bài toán nan giải.
Theo Bộ Công an Trung Quốc, với chính sách nới lỏng quản lý hộ khẩu từ năm 2019 đến nay đã có hơn 50 triệu nhập cư được nhập hộ khẩu thành phố. Tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 53% năm 2012 lên gần 66,2% vào năm 2023.
Các hạn chế về hộ khẩu phần lớn đã được nới lỏng trên toàn quốc, trừ một số siêu đô thị ở miền Đông, thủ phủ cấp tỉnh miền Trung và miền Tây. Chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh ưu tiên cấp hộ khẩu thành phố cho các cá nhân đủ điều kiện.
Trung Quốc cải cách sâu rộng chế độ hộ khẩu (Ảnh minh họa: AFP)
Các chuyên gia cho rằng, việc nới lỏng này sẽ thu hút nguồn nhân lực, dòng vốn, công nghệ phù hợp cho phát triển. Nhà ở giá quá cao, các dịch vụ công như y tế, giáo dục đắt đỏ khiến phần lớn người nhập cư khó tiếp cận.
Trung Quốc đang đầu tư mạnh cho loại hình nhà ở cho thuê, bỏ các quy định hộ khẩu khi mua nhà thành thị, thực hiện nghiêm quy định cấp hộ khẩu cho những người có việc làm ổn định ở nhà thuê.
Một vấn đề khá nhức nhối là có hơn 170 triệu lao động nhập cư phải để lại gia đình ở nông thôn do nhiều rào cản. Theo nhiều chuyên gia, nếu không giải quyết tốt vấn đề này sẽ để lại nhiều hệ lụy. Để đảm bảo sự tiếp cận bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục giữa lao động nhập cư và cư dân có hộ khẩu thành thị là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn đối với chính phủ Trung Quốc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!