"Mồi lửa" mới đẩy khu vực Trung Đông đến bên bờ vực chiến tranh, làm trầm trọng thêm khủng hoảng đa chiều

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 02/08/2024 07:47 GMT+7

VTV.vn - "Mồi lửa" mới nhất - vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Haniyeh tại thủ đô Tehran của Iran - đang có nguy cơ đẩy khu vực Trung Đông vào một cuộc chiến trên diện rộng.

"Lò lửa" Trung Đông đang ngày càng thêm nóng. Thực trạng trên làm trầm trọng thêm tình hình khủng hoảng đa chiều vốn đang rất thảm khốc tại khu vực Trung Đông.

Thời điểm hiện tại đang được nhận định là thời điểm nhạy cảm, nguy hiểm nhất đối với cuộc chiến tại khu vực này kể từ khi xung đột Israel - Hamas bùng phát vào tháng 10/2023.

Trung Đông bên bờ vực chiến tranh

Phản ứng, trả thù cho cái chết của ông Ismail Haniyeh là thông điệp đang được các lực lượng thân Iran kêu gọi, nhấn mạnh sau vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Haniyeh tại Tehran.

Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei đã nhấn mạnh tiến hành các hành động trừng phạt nhằm vào Israel giờ đây là nghĩa vụ của Iran. Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran cùng lúc cũng cảnh báo Israel sẽ phải hứng chịu các cuộc đáp trả mạnh mẽ. Các lực lượng như Hamas, Hezbollah, Houthi cũng truyền đi các thông điệp tương tự.

Về phần mình, Thủ tướng Israel Netanyahu cảnh báo sẽ đáp trả mạnh mẽ bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào nước này.

Trước những diễn biến mới có nguy cơ đẩy Trung Đông vào một cuộc chiến tranh tổng lực trên diện rộng, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức cuộc họp khẩn để thảo luận về leo thang căng thẳng ở khu vực, kêu gọi các bên nỗ lực kiềm chế.

Mồi lửa mới đẩy khu vực Trung Đông đến bên bờ vực chiến tranh, làm trầm trọng thêm khủng hoảng đa chiều - Ảnh 1.

(Ảnh: AFP)

Mỹ, EU đã thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao con thoi nhằm ngăn chặn mối đe dọa về một cuộc chiến tranh toàn diện trong khu vực. Quan chức ngoại giao EU đã có cuộc hội đàm quan trọng với các quan chức tại thủ đô Iran vào hôm qua tại Tehran, trong khi một quan chức khác của Mỹ cũng đã có có cuộc thảo luận tại Saudi Arabia.

Các quan chức cho biết những cuộc đàm phán tập trung vào việc thuyết phục Tehran không đáp trả hoặc thực hiện hành động mang tính biểu tượng, sau khi các nhà ngoại giao Israel nói với những đối tác phương Tây rằng quân đội của Israel không có kế hoạch thực hiện các hoạt động tiếp theo.

Nhiều chuyên gia cho rằng các vụ tấn công mới nhất đã phủ bóng đen lên nỗ lực đạt được thỏa thuận ngừng bắn và trao trả con tin ở Gaza, cũng như hy vọng giảm căng thẳng giữa Israel và các đối thủ thân Iran trong khu vực bởi ông Haniyeh là một nhân vật chủ chốt trong các cuộc đàm phán.

Ông Haniyeh - nhân vật chủ chốt trong đàm phán hòa bình

Ông Haniyeh - một trong những nhà lãnh đạo cấp cao của Hamas - được giao nhiệm vụ lãnh đạo các cuộc đàm phán ngừng bắn trong những tháng gần đây. Gần đây nhất, vào đầu tháng 7, ông Haniyeh phụ trách liên lạc với các nhà hòa giải ở Qatar và Ai Cập để thảo luận về ý tưởng chấm dứt chiến tranh, làm dấy lên một số hy vọng rằng hai bên có thể đạt được một thỏa thuận khung.

Các nhà lãnh đạo khu vực và nhà ngoại giao Arab thường coi ông Haniyeh là người ôn hòa.

Theo CNN, vụ ám sát ông Haniyeh có thể "làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán hòa giải" vì đây là nhân vật "then chốt" cho tiến trình đàm phán và là người ra quyết định quan trọng cùng với thủ lĩnh quân sự của Hamas ở Gaza.

Dự báo phản ứng của các bên liên quan

Giới truyền thông Trung Đông đã tiến hành các cuộc thăm dò dư luận tại Iran và nhận thấy rằng ngay chính trong xã hội Iran hiện cũng đang có 2 luồng quan điểm về những phản ứng cần thiết của Tehran sau vụ việc thủ lĩnh Hamas bị sát hại.

Một luồng quan điểm cho rằng vụ việc lần này có tầm mức nghiêm trọng với Iran còn hơn cả vụ việc hồi tháng 4, khi Tòa lãnh sự thuộc Đại sứ quán nước này ở Syria bị tấn công, khiến chỉ huy lực lượng đặc vụ Quds Zahedi thiệt mạng. Phản ứng vì thế không thể thoảng qua được. Tuy nhiên, cũng có một luồng quan điểm khác lo ngại sự việc nếu bị đẩy đi quá xa sẽ rất nguy hiểm, không ai được gì.

Cả hai luồng quan điểm này đều có cái l‎ý của nó và việc tìm ra một hành động đáp ứng được cả hai tiêu chí trên chắc chắn không dễ dàng. Giới quan sát Trung Đông vì thế cho rằng lần này có thể Iran đang tính tới một chiến dịch đồng loạt trên các mặt trận nhằm vào Israel - tức là một cuộc tấn công cùng lúc, không chỉ từ Iran mà còn từ lực lượng Hezbollah tại Lebanon và Houthi tại Yemen.

Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei vào ngày 31/7 đã cảnh báo những hành đồng trừng phạt Israel sẽ đến từ Iran và các đồng minh. Tuy nhiên, nếu có một chiến dịch như vậy thì các bên cũng sẽ tính toán làm sao không để mọi thứ kéo dài, để rồi bị rơi vào một vòng xoáy "ăn miếng trả miếng" không thể kiểm soát. Tất nhiên, đây cũng chỉ là phỏng đoán.

Mồi lửa mới đẩy khu vực Trung Đông đến bên bờ vực chiến tranh, làm trầm trọng thêm khủng hoảng đa chiều - Ảnh 2.

(Ảnh: AFP)

Duy chỉ có một điều Trung Đông đang khá chắc chắn - các hành động của Iran nhằm vào Israel giờ đây không còn là câu hỏi có hay không mà là vào lúc nào. Israel chắc chắn cũng đã ở tâm thế sẵn sàng đáp trả, dù rằng sự đáp trả này Israel hẳn cũng đang tính toán để mọi thứ không bị đẩy đi quá xa.

Các phản ứng, đòn trả đũa của Iran, Hezbollah và sự đáp trả của Israel sẽ định hình tình hình khu vực Trung Đông trong những ngày tới. Đây sẽ là các đòn răn đe ở chừng mực nhất định hoặc sẽ kéo cả khu vực chìm vào một cuộc xung đột diện rộng.

Dù theo kịch bản nào, tình hình khu vực đang tiếp tục diễn biến theo hướng phức tạp khi không có triển vọng hòa đàm.

Nguy cơ leo thang xung đột ở Trung Đông

Trang web Hội đồng quan hệ đối ngoại trích đánh giá của ông Steven Cook cho biết thời điểm hiện tại là một khoảnh khắc không thể đoán trước với các cảnh báo trả đũa từ cả hai phía. Theo chuyên gia này, có vẻ như rất khó có khả năng các bên sẽ rút lui khỏi một cuộc chiến tàn khốc. Đây là cuộc chiến mà tất cả các bên đã chuẩn bị.

Cùng chung nhận định này, trang AP trích dẫn đánh giá từ một quan chức ngoại giao phương Tây cho biết các cuộc không kích ở Beirut và Tehran đã "gần như giết chết" hy vọng về một lệnh ngừng bắn ở Gaza và có thể đẩy Trung Đông vào một "cuộc chiến tranh khu vực tàn khốc".

Bình luận về tình hình hiện tại, trang Politico cho biết các nước phương Tây hiện đang hi vọng Iran, Hezbollah sẽ kiềm chế, không hành động theo cách đẩy xung đột lên mức cao hơn - giống như kịch bản đã xảy ra vào tháng 4. Trang web này cũng nhấn mạnh Iran, Hezbollah cùng với Saudi Arabia, các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Ai Cập và Qatar đều muốn ngừng bắn dù có những bất đồng nhất định.

Trong khi đó, tờ The New York Times cho rằng các cuộc tấn công ở Iran và Lebanon làm tăng nguy cơ leo thang, nhưng chiến tranh toàn diện không phải là điều không thể tránh khỏi. Mặc dù leo thang có nhiều khả năng xảy ra nhưng những kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy việc hạ nhiệt vẫn có thể xảy ra. Thậm chí, một số người có quan điểm lạc quan còn cho rằng vụ việc có thể đưa ra một lối thoát cho Israel trong việc tuyên bố chiến thắng mang tính biểu tượng để tạo không gian cho Israel lùi bước ở Gaza nhằm tiến tới ngừng bắn.

Các chuyên gia nhận định những sự kiện mới nhất tại Trung Đông đang tạo ra một nghịch lý đáng kinh ngạc. Theo đó, Israel và Iran cũng như các lực lượng thân Iran đang tiến gần hơn đến một cuộc chiến tranh khu vực thảm khốc, nhưng chính các bên lại không muốn một cuộc chiến diện rộng. Một cuộc chiến như vậy sẽ không có giải pháp quân sự khả thi và không bên nào có thể chiến thắng.

Đây là điều mà chính các bên liên quan cũng nhìn thấy nhưng vẫn bế tắc trong việc ngồi vào bàn đàm phán về một giải pháp hạ nhiệt.

Nguy cơ chiến tranh toàn diện tại Trung Đông Nguy cơ chiến tranh toàn diện tại Trung Đông

VTV.vn - Vụ không kích của Israel vào Beirut, Lebanon nhằm vào chỉ huy cấp cao Hezbollah và vụ ám sát thủ lĩnh Hamas đang khiến Trung Đông đứng trước nguy cơ chiến tranh toàn diện.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước