Thúc đẩy chủ nghĩa đa phương - chìa khóa để ngăn chặn xung đột và thu hẹp bất đồng

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 30/04/2023 11:48 GMT+7

VTV.vn - Cơ chế hợp tác toàn cầu đang đứng trước sức ép lớn nhất kể từ khi Liên hợp quốc được thành lập, trong bối cảnh thế giới đối mặt cuộc khủng hoảng đa chiều chưa từ có.

"Chủ nghĩa đa phương hiệu quả - thông qua bảo vệ các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và Tuyên bố năm 1970 về các nguyên tắc của luật pháp quốc tế" - đây là nội dung phiên thảo luận mở của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vừa được tổ chức tuần qua và thu hút sự quan tâm rộng rãi của dư luận. Sự kiện đặc biệt này có sự tham dự của Tổng Thư ký Liên hợp quốc và đại diện của hơn 50 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Chủ đề chủ nghĩa đa phương đã nhiều lần được đề cập tại diễn đàn Liên hợp quốc nhưng phiên thảo luận tuần qua rất đáng chú ý trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến những bất đồng sâu sắc giữa các nước, các nhóm nước, đặc biệt là ngay trong các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, liên quan đến cuộc xung đột Ukraine. Hợp tác đa phương được xác định là trung tâm, là lý do tồn tại, là tầm nhìn định hướng đối với Liên hợp quốc, tuy nhiên, thế giới đang ở thời điểm niềm tin vào chủ nghĩa đa phương đang bị xói mòn nghiêm trọng nhất trong hàng thập kỷ qua.

Chủ nghĩa đa phương đối mặt với thách thức chưa từng có

Chủ trì cuộc họp với tư cách chủ tịch luân phiên tháng 4 Hội đồng Bảo an, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cáo buộc chính sách trừng phạt đơn phương của phương Tây đã phá hủy lợi ích của toàn cầu hóa và kìm hãm chủ nghĩa đa phương.

Thúc đẩy chủ nghĩa đa phương - chìa khóa để ngăn chặn xung đột và thu hẹp bất đồng - Ảnh 1.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov (Ảnh: AP)

"Giống như trong Chiến tranh Lạnh, chúng ta đang ở ngưỡng nguy hiểm, thậm chí có thể còn nguy hiểm hơn. Tình hình trở nên tồi tệ hơn với sự mất niềm tin vào chủ nghĩa đa phương. Tất cả chúng ta cần quay trở lại với các giá trị gốc rễ và tuân thủ các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc" - Bộ trưởng Ngoại giao Nga khẳng định.

Theo đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc, thế giới chỉ có một trật tự với Hiến chương Liên hợp quốc làm nền tảng. Và để các nguyên tắc của Hiến chương phát huy hiệu quả thì cần được thực hiện nhất quán, toàn diện.

"Chính trị khối đang tạo ra sự chia rẽ và đối đầu lớn, việc duy trì Hiến chương Liên hợp quốc càng trở nên cấp bách và quan trọng. Điều cần thiết nhất hiện nay là tất cả các nước thực thi chủ nghĩa đa phương chân chính, tăng cường đoàn kết dưới ngọn cờ Liên hợp quốc, nâng cao hiệu quả của hệ thống quản trị toàn cầu" - Đại sứ Trương Quân, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Trung Quốc tại Liên hợp quốc, cho biết.

Đại sứ Linda Thomas-Greenfield - Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Mỹ tại Liên hợp quốc - cho rằng: "Chúng ta phải tái cam kết với các nguyên tắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, hòa bình và an ninh. Và sử dụng những nguyên tắc đó làm kim chỉ nam nhằm củng cố và đưa hoạt động của Liên hợp quốc phù hợp với các mục đích của thế kỷ 21".

Trong bối cảnh khủng hoảng đa chiều hiện nay, Liên hợp quốc nhấn mạnh, hành động phối hợp tập thể trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Thúc đẩy chủ nghĩa đa phương - chìa khóa để ngăn chặn xung đột và thu hẹp bất đồng - Ảnh 2.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (Ảnh: AP)

"Đã đến lúc tăng cường hợp tác, củng cố các thể chế đa phương, tìm kiếm các giải pháp chung cho những thách thức chung. Các thành viên của Hội đồng Bảo an, đặc biệt là những thành viên thường trực, có trách nhiệm thúc đẩy chủ nghĩa đa phương hoạt động hiệu quả thay vì góp phần gây chia rẽ" - Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tuyên bố,

Người đứng đầu Liên hợp quốc kêu gọi các nước, đặc biệt là những nước lớn, bỏ qua bất đồng, hợp tác để giải quyết thách thức toàn cầu.

Nền tảng duy trì hệ thống quốc tế đa phương

Nhìn lại quá trình hợp tác đa phương trong lịch sử, đặc biệt trong gần 8 thập kỷ qua sau khi Liên hợp quốc được thành lập, có thể khẳng định, những thành tựu to lớn của hệ thống đa phương với vai trò trung tâm của Liên hợp quốc và các cơ quan Liên hợp quốc, thúc đẩy hợp tác toàn cầu trên hàng loạt lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, gìn giữ hòa bình… đưa hơn 1 tỷ người trên hành tinh thoát khỏi đói nghèo và đặc biệt là ngăn chặn một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba.

Thúc đẩy chủ nghĩa đa phương - chìa khóa để ngăn chặn xung đột và thu hẹp bất đồng - Ảnh 3.

Phiên họp tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ (Ảnh: AP)

Là một thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm, Việt Nam đã có đóng góp ngày càng thực chất và được đánh giá cao đối với các hoạt động của Liên hợp quốc, trong đó đề cao vai trò của Liên hợp quốc và chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Đây là thông điệp xuyên suốt trong quá trình hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc trong hơn 45 năm qua và tiếp tục được khẳng định tại các diễn đàn Liên hợp quốc mới đây.

Việt Nam tích cực tham gia xây dựng chủ nghĩa đa phương

Phiên họp mở của Hội đồng Bảo an không chỉ là nơi để các quốc gia là thành viên thường trực và không thường trực nêu quan điểm về chủ nghĩa đa phương mà nó còn mở ra cơ hội cho các quốc gia khác nêu quan điểm và ý tưởng nhằm xây dựng chủ nghĩa đa phương một cách hiệu quả. Việt Nam là một trong các quốc gia như vậy.

Thúc đẩy chủ nghĩa đa phương - chìa khóa để ngăn chặn xung đột và thu hẹp bất đồng - Ảnh 4.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang - Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc (Ảnh: UN)

"Chủ nghĩa đa phương chỉ hiệu quả nếu nó lựa trên sự tôn trọng đối với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Do đó, mọi thành viên đều phải tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, đặc biệt về các nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình tất các tranh chấp trên cơ sở các tiến trình pháp lý và ngoại giao" - Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, khẳng định.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang cũng cho rằng, Liên hợp quốc và các cơ quan chính trong hệ thống cần tiếp tục đóng vai trò trung tâm, thúc đẩy hợp tác, đối thoại và đoàn kết.

Việt Nam ủng hộ vai trò của Hội đồng Bảo an trong việc bảo đảm tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và pháp quyền như đã khẳng định trong lễ tuyên thệ chính thức nhận nhiệm kỳ Hội đồng Bảo an đầu năm 2020.

Nhân cuộc họp mở lần này của Hội đồng Bảo an, đại diện Việt Nam cũng nêu bật các nỗ lực và đóng góp của Việt Nam và ASEAN trong thúc đẩy các giải pháp đối với các thách thức toàn cầu và khu vực. Đây được coi là những đóng góp hiệu quả vào việc duy trì hoà bình, ổn định, thịnh vượng của khu vực và quốc tế và theo đúng ý nghĩa của chủ nghĩa đa phương.

Hợp tác Việt Nam - Liên hợp quốc trải rộng trên nhiều lĩnh vực. Và ngay tại thời điểm này, Việt Nam đang đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng tại các cơ quan Liên hợp quốc như thành viên Hội đồng khai thác Liên minh Bưu chính thế giới, Hội đồng Thống đốc cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), các cơ quan điều hành và chuyên môn của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO), Ủy ban Luật pháp quốc tế và mới đây nhất, Việt Nam đã trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Còn tại Hội đồng Bảo an - một trong 6 cơ quan chính của Liên hợp quốc, Việt Nam đã được bầu là Ủy viên không thường trực nhiệm kỳ 2020 - 2021 với số phiếu cao kỷ lục (192/193 phiếu ủng hộ). Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc cương vị này, thể hiện trách nhiệm cao, trực tiếp đóng góp vào các nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh quốc tế và khu vực.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước